Ngành sản xuất chip bị tổn thương do thiếu nguồn cung thiết bị bán dẫn

07:52' - 08/04/2022
BNEWS Tình trạng thiếu thiết bị chưa từng có và hạn chế về nguồn cung đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chip toàn cầu.

Các nhà sản xuất chip mong muốn mở rộng năng lực sản xuất đang phải chờ đợi một năm rưỡi hoặc lâu hơn cho các thiết bị quan trọng, do tình trạng thiếu thiết bị chưa từng có và hạn chế về nguồn cung đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chip toàn cầu.

Các nhà cung cấp thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới bao gồm Applied Materials, KLA, Lam Research và ASML - đang cảnh báo khách hàng rằng họ sẽ phải đợi tới 18 tháng cho một số máy móc quan trọng, từ thấu kính, van và máy bơm đến bộ vi điều khiển, nhựa kỹ thuật và mô-đun điện tử.

Trong khi đó, nhu cầu về máy móc bán dẫn lại đang tăng mạnh. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) United Microelectronics Corp. (UMC), tập đoàn sản xuất chip Intel của Mỹ và hãng điện tử Samsung Electronics đều có các nhà máy sắp đi vào hoạt động, một số nhà máy dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động trong năm tới.  Các doanh nghiệp này bắt đầu lo lắng rằng thời gian chờ đợi thiết bị sản xuất kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch trên.

TSMC- tập đoàn chế tạo chip lớn nhất thế giới của Đài Loan (Trung Quốc), UMC và Samsung thậm chí đang cử các giám đốc điều hành cấp cao ra nước ngoài để thúc giục các nhà cung cấp thiết bị nỗ lực hơn nữa để cải thiện tình trạng nguồn cung bị thắt chặt.

Thời gian giao hàng các thiết bị này cũng kéo dài đáng kể, từ mức trung bình khoảng 3-4 tháng vào năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát lên tới khoảng 10-12 tháng vào năm ngoái. Các nguồn tin trong ngành cho biết, sự chậm trễ trong việc nhận các thiết bị sản xuất là "sự việc tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua" đối với các nhà cung cấp chip, giữa bối cảnh tình trạng thiếu linh kiện và sự chậm trễ trong các khâu logistics gia tăng trong suốt chuỗi cung ứng.

Thậm chí, đối với một số thiết bị thử nghiệm do KLA, có trụ sở tại Mỹ sản xuất, thời gian chờ đợi để giao hàng là hơn 20 tháng. Theo Chủ tịch của Unimicron, tập đoàn sản xuất đế chip lớn nhất thế giới, việc giao các thiết bị được sử dụng để làm đế - vật liệu cơ bản để chứa chip trước khi chúng được gắn trên bảng mạch in - có thể mất tới 30 tháng so với thời gian tương ứng 12 -18 tháng vào năm ngoái.

Điều này đã làm dấy lên tâm lý quan ngại lớn trong số các nhà sản xuất chip cũng như các nhà cung cấp thiết bị.

Applied Materials, nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất của Mỹ, đã tổ chức một cuộc họp nội bộ vào tháng trước, nơi Giám đốc điều hành (CEO) của công ty này kêu gọi nhân viên làm hết sức có thể để bảo đảm các linh kiện và chip cho máy móc của họ.

Về phía nhà sản xuất chip, TSMC lo ngại về việc giao hàng chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến lịch trình sản xuất hàng loạt của họ ở Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản. Trước đó, kế hoạch xây dựng nhà máy của TSMC ở Mỹ đã bị chậm tiến độ do thiếu lao động. TSMC cho hay, họ đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đối phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Trong khi đó, UMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ tư thế giới, xác nhận rằng họ đã cử nhân viên đến thăm dò tại các nhà cung cấp thiết bị ở Mỹ và châu Âu, đồng thời khẳng định công ty này sẽ không dễ dàng thay đổi kế hoạch mở rộng sản xuất.

Giám đốc tài chính của UMC Liu Chi-tung cho biết: “Theo các chuyến thăm dò của chúng tôi tại các nhà cung cấp thiết bị, tình trạng thiếu linh kiện đối với họ vẫn đang xấu đi và chỉ có thể bắt đầu cải thiện vào nửa cuối năm 2022. Kế hoạch mở rộng sản xuất của UMC có thể bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ của thiết bị, song vẫn có thể diễn ra vào khoảng giữa năm 2023, cho dù tốc độ gia tăng công suất chắc chắn sẽ chậm hơn dự kiến”.

ASML cho biết, ngành sản xuất chip đều đồng thuận quan điểm rằng tình trạng thiếu chip có thể kéo dài hai năm và các nhà sản xuất đang dốc hết sức để giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, theo các cuộc phỏng vấn với hơn 10 giám đốc điều hành trong ngành, nhiều công ty cung cấp thiết bị không muốn mở rộng công suất. Theo họ, việc chuyển đổi các thành phần hoặc vật liệu trong thiết bị chip không phải là một lựa chọn trong ngắn hạn, bởi bất kỳ giải pháp thay thế nào đều phải trải qua một quá trình xác minh kéo dài để đảm bảo khả năng sản xuất liên tục và chất lượng sản phẩm.

Một số thành phần chính xác chỉ được chế tạo bởi một số ít nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn, chẳng hạn như máy bơm xử lý hóa chất của công ty Iwaki (Nhật Bản) và thấu kính cao cấp của công ty Zeiss (Đức). Rất khó để tìm được những lựa chọn thay thế phù hợp cho những loại mặt hàng này.

Nhiều nguồn tin đã so sánh những hạn chế về nguồn cung thiết bị chip hiện tại với tình hình của ngành công nghiệp ô tô, khi nhu cầu chip tăng đột biến cùng với nguồn cung hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu hụt khiến các nhà sản xuất phải hạn chế sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục