Ngành thời trang thế giới trước nhiều cơ hội mới

06:29' - 02/02/2017
BNEWS Sau khi để mất đà trong năm 2016 do những bất ổn địa chính trị, ngành công nghiệp thời trang toàn cầu sẽ phần nào lấy lại phong độ trong năm 2017 với mức tăng trưởng 2,5-3,5%.
Ngành thời trang thế giới trước nhiều cơ hội mới. Ảnh: EPA

Dự đoán khả quan này được các chuyên gia phân tích của hãng tư vấn McKinsey (Mỹ) đưa ra dựa trên một số chỉ dấu về kinh tế vĩ mô, trong đó có dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,4% so với mức tăng 3,1% của năm 2016.

Cùng với đó, giới đầu tư cũng kỳ vọng rằng những phương án đổi mới của các tượng đài về thời trang như Burberry Group Plc với tuyệt chiêu “Thấy ngay, mua liền” sẽ giúp thổi một làn gió mới vào toàn ngành.

Sự khởi sắc trong lĩnh vực thời trang sẽ là tin vui đối với những thương hiệu thời trang tên tuổi đang gặp nhiều khó khăn trong năm qua như Abercrombie & Fitch Co. của Mỹ, Hugo Boss AG của Đức và Fast Retailing Co. của Nhật Bản.

Theo phân tích của McKinsey, những nhà thời trang này cần phải thích nghi nhanh chóng với thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt là đối với Thế hệ thiên niên kỷ (thế hệ Millennials, chỉ thế hệ đầu tiên lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội và hiện có độ tuổi từ 18 – 35), có thói quen mua sắm sáng suốt và khó lường hơn.

Báo cáo của McKinsey cho hay trong số 1.600 lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát có đến 40% kỳ vọng điều kiện thị trường sẽ được cải thiện trong năm 2017, so với con số chỉ 19% trong năm 2016.

Tuy nhiên, ước tính lạc quan là vậy nhưng giới thời trang vẫn không quên chỉ ra những thách thức mà họ có thể đối mặt trong năm 2017.

Kết quả cuộc khảo sát Global Fashion Survey do hãng tư vấn McKinsey thực hiện cho thấy phần lớn người được hỏi đều cho rằng hai thách thức lớn nhất của ngành công nghiệp thời trang trong năm 2017 sẽ tiếp tục là ảnh hưởng tiêu cực của tình hình bất ổn thế giới – nhất là sau hai “cơn địa chấn” về Brexit và chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng những mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố khác nhau và sự cạnh tranh khốc liệt từ mảng bán hàng trực tuyến.

Một chuyên gia trong ngành thời trang Olivier Abtan đã nhận định rằng các thương hiệu thời trang xa xỉ sẽ chứng kiến mức tăng trưởng trung bình 2-5% trong năm nay, so với mức tăng 8-10% của thập kỷ trước, giữa bối cảnh thị hiếu tiêu dùng giờ có xu hướng chuyển sang những thương hiệu sang trọng nhưng có khả năng chi trả phù hợp hơn như Michael Kors và Tory Burch.

Theo các chuyên gia, những thách thức này một mặt sẽ đặt giới lãnh đạo doanh nghiệp vào thế phải đối mặt với nhiều thay đổi về thói quen tiêu dùng cũng như các hoạt động nội bộ trong hệ thống thời trang, nhưng mặt khác lại là cơ hội để họ cải thiện hiệu suất công việc bằng cách tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, phương thức bán lẻ đa kênh (mô hình marketing All-in-One của ngành bán lẻ) và số hóa các chuỗi giá trị.

Các thương hiệu thời trang xa xỉ sẽ chứng kiến mức tăng trưởng trung bình 2-5%. Ảnh: EPA

Thú vị hơn, ngành thời trang nhiều khả năng sẽ tập trung vào hình thức tăng trưởng có hệ thống trong năm 2017, thay vì chỉ chú trọng cắt giảm chi phí hoạt động.

Theo kết quả cuộc khảo sát Global Fashion Survey, chỉ có 5% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng hạn chế chi tiêu sẽ là mối quan tâm hàng đầu của họ trong nâng cao lợi nhuận.

Thay vào đó, những hình thức tăng trưởng hệ thống mà họ đang hướng đến sẽ là tập trung phát triển những mảng kinh doanh mang lại nhiều doanh thu, đi cùng với hình thức quản lý theo kiểu cuốn chiếu.

Ngoài ra, những lĩnh vực đầu tư mũi nhọn sẽ tập trung vào việc thống nhất mô hình bán lẻ đa kênh, đẩy mạnh thương mại điện tử và lựa chọn phương án tiếp thị sử dụng kỹ thuật số.

Tăng trưởng có hệ thống còn được thể hiện thông qua hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) và nâng cao trải nghiệm của người mua tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Một trong những cải cách được cho là mang tính đột phá nhất trong thời gian qua của làng mốt chính là sự xuất hiện của xu hướng mua hàng mới: “Thấy ngay, mua liền” (Buy now see now) đang được các “đại gia” như Burberry, Prada hay Louis Vuitton nhiệt tình lăng xê.

Với hình thức mua sắm này, khách hàng có thể đặt mua ngay tất cả món đồ trong bộ sưu tập của các hãng thời trang ngay từ khi các nàng mẫu còn đang sải bước trên sàn catwalk, từ đó xóa tan cơn ác mộng của các tín đồ mua sắm khi họ phải đợi đến sáu tháng trước khi những món đồ chính thức được lên kệ, đồng thời ngăn chặn tình trạng đánh cắp ý tưởng (copycat) từ các thương hiệu thời trang nhanh (fast fashion) như H&M, Zara, Topshop, Forever 21...

Cùng với những đổi mới của các hãng thời trang, trong năm nay, các chuyên gia dự đoán rằng Trung Quốc, với đà phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, sự lên ngôi của hình thức mua sắm qua điện thoại và nhu cầu tiêu dùng khởi sắc, sẽ là một trong những yếu tố tạo ra bất ngờ đối với ngành thời trang thế giới.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được cho là sẽ đóng góp khoảng 28% vào tổng số người có thu nhập cao trên toàn cầu trong giai đoạn 2015-2025, so với con số chỉ 3% của nước Mỹ.

Thêm vào đó, cùng với những ước tính khả quan về thể trạng kinh tế, sức tiêu thụ của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các mặt hàng thời trang cũng sẽ tăng cao, đặc biệt là trong những nhãn hiệu thời trang toàn cầu, giữa bối cảnh hình thức mua sắm điện tử đang ngày càng thịnh hành.

Đó là còn chưa kể đến những kênh mua sắm trực tuyến như Alibaba và Shangpin cũng đang góp phần mang thời trang đến gần hơn với người dân nước này.

Cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu, quá trình đô thị hóa cũng được kỳ vọng “làm nên chuyện” trong năm nay.

Những thành thị phát triển nhanh chóng đã tạo ra một nguồn tiêu thụ dồi dào đối với ngành thời trang.

Trong vòng 30 năm qua, có đến 400 triệu người Trung Quốc di chuyển từ nông thôn ra các thành phố.

Trong lúc tại Ấn Độ và một số quốc gia đông dân đang phát triển khác, những đô thị truyền thống tầm trung giờ đã dần trở nên đông đúc, từ đó mở ra cơ hội để phát triển những khu đô thị mới, mang lại nhiều kênh tiêu thụ bổ sung cho ngành thời trang.

Tuy nhiên, phát triển không ngừng đồng nghĩa với việc ngoài tập trung chăm sóc khách hàng địa phương và tại các khu đô thị, những doanh nghiệp thời trang đang hoạt động tại các thị trường đang phát triển nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh tăng cao từ phía các đối thủ địa phương.

Ví dụ, tại thị trường Ấn Độ, những tập đoàn và doanh nghiệp bán lẻ địa phương lớn nhất đang “lấn sân” sang mảng thời trang với chiến lược cạnh tranh không chỉ dựa trên giá cả mà còn ở sự đa dạng và tốc độ tung sản phẩm ra thị trường.

Những tập đoàn và doanh nghiệp này đang đe dọa lấy bớt thị phần của nhiều tên tuổi quen thuộc như H&M, Zara, Uniqlo và Mango.

Theo các nghiên cứu, trong năm 2017, tình hình tương tự cũng sẽ xảy ra tại châu Phi, khu vực Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc và các thị trường quan trọng khác.

Cùng với tiêu chuẩn sống được nâng cao, trong năm 2017, nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ trở nên cao cấp hơn, phụ thuộc vào công nghệ và khó dự đoán hơn bao giờ hết do vào thời buổi này, các khách hàng được tiếp cận với nguồn thông tin tốt hơn, họ có nhiều kênh chia sẻ thông tin, nhu cầu cao hơn và có ý thức hơn về giá trị cũng như tính xác thực của sản phẩm.

Hơn nữa, với sự đa dạng về hàng hóa và sản phẩm, người mua cũng có xu hướng “pha trộn” nhãn hiệu và các nhà thiết kế khác nhau, đồng thời tham gia mua sắm trên diện rộng hơn trong quá khứ.

Chính vì vậy, dự đoán thị trường trong năm nay sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều đối với những tên tuổi lâu nay chỉ dựa vào thói quen mua sắm của các khách hàng trung thành.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục