"Brexit cứng" sẽ hủy hoại ngành công nghiệp ô tô nước Anh

15:34' - 17/10/2016
BNEWS Người đứng đầu Hiệp hội Ngành công nghiệp Xe ô tô của Đức, ông Matthias Wissmann, cảnh báo ngành công nghiệp xe ô tô của Vương quốc Anh sẽ đối mặt với nguy cơ sa sút mạnh
Người đứng đầu Hiệp hội Ngành công nghiệp Xe ô tô của Đức, ông Matthias Wissmann. Ảnh: A Soul for Europe

Đây là lần đầu tiên một nhân vật cao cấp trong ngành công nghiệp xe ô tô công khai lên tiếng cảnh báo nước Anh.

Ông Wissmann cho biết nếu như kịch bản “Brexit cứng” xảy ra thì những nhà sản xuất xe ô tô tại nước Anh sẽ chuyển các nhà máy sản xuất của họ sang các nước ở Trung và Đông Âu như Slovakia và Ba Lan, nơi chi phí sản xuất thấp và các nước này đều nằm trong Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh hiện nay, ông Wissman cho rằng không có nhà sản xuất xe ô tô nào muốn đầu tư mạnh vào nước Anh.

Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May đã loan báo bắt đầu đàm phán chính thức với EU vào tháng 3/2017 và ngụ ý muốn nước Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan EU để đất nước có toàn quyền kiểm soát vấn đề đường biên giới của mình. Tuy nhiên, bà May cũng ngụ ý có thể có những biện pháp riêng bảo vệ một số ngành, lĩnh vực mà nước Anh ưu tiên trong đó có ngành công nghiệp xe ô tô trước những tác động của Brexit.

Carlos Ghosn, Tổng giám đốc điều hành của hãng Nissan (Nhật Bản), cho biết ông sẽ không đầu tư vào nhà máy của hãng tại nhà máy Sunderland nếu như Chính phủ nước Anh không đưa ra đền bù cho Nissan trong trường hợp công ty này phải chịu mức thuế khóa mới một khi xảy ra Brexit. Và Bà May đã phải cam kết điều kiện kinh doanh của Nissan tại nhà máy Sunderland sẽ không thay đổi sau khi nước Anh rời khỏi EU.

Rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại việc bà May quá chú trọng đến vấn đề nhập cư hơn là các hậu quả kinh tế của nước Anh do mối quan hệ của nước này với thị trường chung châu Âu. Chính những mối lo ngại này đã dẫn đến việc đồng bảng Anh mất giá 17% so với đồng USD kể từ ngày tiến hành trưng cầu dân ý 23/6 đến nay.

Tại Đức, cộng đồng doanh nghiệp đều thấy lo ngại về quan điểm của bà May. Đức xuất khẩu 809.000 xe ô tô sang nước Anh năm 2015, chiếm 18,4% tổng số xe xuất khẩu của Đức.

Một số bộ trưởng của nước Anh cho rằng có khả năng sẽ có những thỏa thuận riêng đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng trong đó có ngành công nghiệp xe ô tô. Tuy nhiên Thủ tướng Đức Angela Merkel tuần trước đã đưa ra lời cảnh báo không có bất kỳ thỏa thuận riêng biệt nào, kêu gọi các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực phải có tiếng nói chung và tránh đưa ra những thỏa hiệp về các nguyên tắc của EU - đặc biệt đối với vấn đề tự do đi lại, tìm việc trong EU.

Ông Wissmann cũng ủng hộ quan điểm của bà Merkel và cho rằng nước Anh là một thị trường quan trọng đối với ngành công nghiệp xe ô tô của Đức nhưng thị trường EU còn quan trọng hơn đối với Đức. Nếu EU sụp đổ thì sẽ tồi tệ hơn cho ngành công nghiệp xe ô tô của Đức.

Đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp xe ô tô của nước Anh trong vài thập niên qua - đặc biệt là đầu tư từ Đức - đã giúp sản lượng tại nước Anh tăng vọt. Chẳng hạn như hãng xe BMW hiện thuê 8.000 nhân công tại nước Anh và năm ngoái sản xuất được hơn 200.000 xe mini, chiếm khoảng 12% tổng số xe hơi được sản xuất tại nước Anh.

Ông Wissmann cảnh báo tình trạng tại nước Anh có thể sẽ giống như Italy (I-ta-li-a) khi tổng sản lượng xe ô tô nước này giảm từ 2 triệu chiếc/năm cách đây 20 năm, xuống còn 500.000 chiếc/năm như hiện nay. Sản xuất xe ô tô tại Slovakia tăng lên đáng kể từ không có chiếc nào nay đạt hơn 1 triệu chiếc trong cùng thời gian nói trên. Ông Wissmann cho rằng nếu nước Anh không muốn cùng chung số phận như Italy thì "xứ sở sương mù" phải giữ được quyền nằm trong thị trường chung EU.

Mike Hawes, Tổng giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà chế tạo và kinh doanh xe ô tô nước Anh (SMMT) đồng quan điểm với ông Wissmann khi nói rằng ngành công nghiệp xe ô tô của Anh trong những năm gần đây vô cùng mạnh và có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài và sản lượng xe tăng ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, theo ông, để duy trì các điều kiện kinh doanh như hiện nay, việc nằm trong thị trường chung là vô cùng cần thiết để nước Anh có thể cạnh tranh tốt và duy trì những thành công hiện nay.

Nhiều hãng sản xuất xe ô tô có nhà máy sản xuất tại nước Anh cũng đặt nhà máy của họ tại Đông Âu. Toyota và Renault-Nissan, cả hai đều có nhà máy tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đó Opel, nhánh của General Motors sở hữu Vauxhall hiện có hai nhà máy sản xuất tại Ba Lan. Jaguar Land Rover đang xây dựng một nhà máy tại Slovakia, nhà máy sản xuất lớn đầu tiên của hãng nằm ngoài nước Anh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục