Nghệ nhân thổi “hồn” cho quất bonsai

12:09' - 26/01/2025
BNEWS Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, vườn quất của ông Phạm Minh Châu, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định luôn nhộn nhịp người tham quan, mua cây.

Những tác phẩm quất bonsai với dáng, thế đẹp, tạo hình công phu, khiến ai ai cũng phải trầm trồ, thưởng lãm. Ông Châu là một trong những nghệ nhân có “bàn tay vàng” tạo ra những tác phẩm bonsai nghệ thuật của tỉnh Nam Định. Qua bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của ông, những cây quất trở thành tác phẩm mang dáng dấp độc lạ, chứa đựng thông điệp nhân văn sâu sắc, phục vụ nhu cầu thưởng lãm cái đẹp ngày Tết của nhân dân.

 

Ông Châu chia sẻ, tạo dáng bonsai tưởng như đơn giản ai cũng làm được nhưng làm thế nào để thổi “hồn” cho cây thì không phải dễ. Cây bonsai phải gây được ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên, nhất là thể hiện rõ ý nghĩa, thông điệp của từng dáng, thế cây. Quan trọng là phải tìm được gốc quất đủ yêu cầu làm phôi. Đó là những cây quất già 5-7 năm tuổi, khỏe mạnh. Thế nên, ông Châu thường tranh thủ dành thời gian len lỏi khắp làng trên, xóm dưới để tìm những gốc quất đủ yêu cầu.

Khi có phôi cây, ông loại bỏ tất cả cành, lá ban đầu, chỉ giữ lại gốc và những cành theo ý tưởng muốn tạo dáng, thế. Thông thường 10 phôi cây tối đa chỉ giữ được 6, thậm chí tỷ lệ còn thấp hơn. Trong khoảng 2 năm, phôi cây vừa được chăm sóc kỹ lưỡng vừa được tạo tán.

Với cây quất bình thường, việc tạo dáng quất chỉ cần dùng dây thép nhỏ để kéo, uốn nhưng với quất bonsai phải tạo dáng ngay từ ban đầu. Mỗi cành đều có sự tính toán tỉ mỉ, hài hòa theo chủ đề, thông điệp khác nhau. Sau khi cây thành dáng như mong muốn, việc chăm sóc cho cây ra hoa, đậu quả sao cho kịp vụ Tết là điều quan trọng, quyết định giá trị, tính thẩm mỹ của cây.

Khoảng tháng 5, tháng 6, cây quất bắt đầu cho hoa. Thời điểm này có những ngày nhiệt cao, kèm gió Lào khô nóng, khiến cây dễ rụng hết hoa, quả. Ngoài ra, những gốc quất lâu năm thường ra ít quả, khó chăm sóc, do đó bên cạnh kinh nghiệm, người trồng quất phải áp dụng nhiều biện pháp, sử dụng các loại thuốc đặc trị để giữ hoa, quả được lâu. Bonsai quất đẹp cần đảm bảo các tiêu chí cành khỏe, đủ lộc, đủ hoa, quả xanh, quả chín mang ý nghĩa đủ đầy.

Ông Châu Phạm Minh nêu rõ, các tác phẩm của ông thường mang những câu chuyện, ý nghĩa riêng, không tác phẩm nào lặp lại. Những dáng cây được tạo hình tỉ mỉ: có cây dáng mềm cũng có cây thẳng tắp, có cây to lớn nhưng có cây nhỏ nhắn, tất cả được bày trí, tạo dáng hài hòa sao cho mỗi chậu quất mang một thông điệp khác nhau; có tác phẩm thể hiện tình mẫu tử thắm thiết, có cây thể hiện nghĩa phu thê, có cây mang thông điệp về những đức tính của người quân tử…

Không chỉ trồng và tạo dáng quất bonsai, ông Châu còn là người sáng tạo dòng quất ký gỗ lũa độc đáo, thu hút người sành chơi. Quất ký gỗ lũa vừa có sự tươi tắn của cây, vừa có sự độc lạ của những khúc gỗ lũa, dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân tạo thành một tác phẩm sinh động mang tính nghệ thuật cao.

Mùa Tết năm nay, ông Châu chuẩn bị 500 chậu quất bonsai phục vụ nhu cầu chơi cây của khách hàng. Giá quất bonsai dao động từ 5 - 35 triệu đồng/chậu. Hiện, vườn của ông không còn hàng để bán. Cây được khách đặt từ khoảng tháng 10 âm lịch và đến đầu tháng Chạp, nhiều khách đã yêu cầu chuyển hàng chơi Tết sớm.

Tham quan và tìm mua quất chơi dịp Tết, anh Lại Văn Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết, anh nghe danh nghệ nhân Châu đã lâu và năm nay anh vượt đường xa để đến vườn cây nhà ông mong muốn tìm được tác phẩm quất ưng ý. Những tác phẩm của ông Châu rất sinh động. Cây quất không chỉ khỏe, hoa, lá, quả đều bắt mắt mà mỗi cây còn mang một vẻ đẹp riêng, ý nghĩa riêng.

Chơi cây không chỉ để thỏa mãn tâm lý chiêm ngưỡng cái đẹp mà còn thể hiện cái nhìn, quan điểm nhân sinh của chủ nhà. Bởi vậy, quất bonsai không chỉ là loại cây biểu tượng của ngày Tết Việt Nam mà còn biểu trưng cho văn hóa được người sành cây lựa chọn trưng bày trong nhà trong dịp Tết để tạo điểm nhấn cho ngôi nhà và thể hiện mong ước những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục