Nghị quyết 01/NQ-CP: Thừa Thiên – Huế bố trí đủ vốn cho dự án hoàn thành năm 2023

09:49' - 10/02/2023
BNEWS Nguồn vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế được giao cao hơn so với năm 2022.

Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước được Trung ương giao là hơn 5.758 tỷ đồng và nguồn ngân sách tỉnh bổ sung là 110 tỷ đồng. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy triển khai các dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn đúng theo kế hoạch.

 

Năm 2023 là năm thứ hai tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện phân cấp nguồn vốn cho các địa phương cấp huyện theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn; trong đó, ưu tiên vốn để thu hồi các khoản vốn ứng trước.

Đồng thời, bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023 để phát huy hiệu quả đầu tư; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, các dự án chuyển tiếp được thực hiện theo tiến độ được phê duyệt.

Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, mới cấp vốn cho các dự án khởi công mới có tính chất liên vùng, giao thông cấp bách, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu…; trong đó, ưu tiên cho các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư, được chuẩn bị kỹ để sẵn sàng triển khai thực hiện.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; trong đó, địa phương xác định quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường việc kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, nhà thầu, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin về sử dụng vốn đầu tư công.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện nghiêm túc việc đấu thầu qua mạng, đảm bảo quy định theo quy mô dự án; kiên quyết xử phạt hành chính đối với các đơn vị thi công vi phạm hợp đồng, vi phạm quy định về tổ chức thi công làm cơ sở đánh giá năng lực, loại trừ hồ sơ tham gia dự thầu đối với các doanh nghiệp không đủ năng lực.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng chỉ đạo đơn vị, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân; tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất..., hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện; củng cố bộ máy, tăng cường năng lực đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án có vướng mắc mặt bằng kéo dài nhiều năm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, giai đoạn 2021 - 2025, các dự án công trình về giao thông, hạ tầng kỹ thuật dân cư, thương mại… trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đất làm vật liệu san lấp khoảng hơn 35 triệu m3.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 mỏ đất làm vật liệu san lấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục