Sắp xếp lại giang sơn và sức mạnh đoàn kết: Để nghị quyết Đảng thấm sâu vào thực tiễn

08:43' - 02/07/2025
BNEWS Không sắp xếp lại hệ thống hành chính, đổi mới phương pháp quản lý, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thì đất nước sẽ chậm phát triển. Đó là yêu cầu bức thiết của cuộc sống.

Việc chỉnh thể hành chính mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được khởi động từ ngày 1/7/2025 là bài học sâu sắc về việc đưa chủ trương của Đảng thấm sâu vào trái tim, khối óc của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đoàn kết toàn xã hội, quyết liệt đưa các Nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.

*Khai sinh nghị quyết trên nền thực tiễn

Không sắp xếp lại hệ thống hành chính, đổi mới phương pháp quản lý, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thì đất nước sẽ chậm phát triển. Đó là yêu cầu bức thiết của cuộc sống.

Ngay từ các Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII, nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã được nêu ra trong Văn kiện Đại hội. Từ Đại hội VII đến nay, nhiều Nghị quyết của Đảng được ban hành để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn tổ chức bộ máy.

Cụ thể: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 9/2/2007 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 1/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Có vai trò đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Nghị quyết số 18-NQ/TW đi vào thực tiễn 7 năm và Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển.

Nhìn thẳng vào bản chất sự việc, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 5/11/2024 về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” là phát súng mở màn cho bước đi lịch sử để “sắp xếp lại giang sơn”.

Bài viết nêu rõ: Cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với một số công tác trọng tâm: Xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.

 *Quyết liệt chỉ đạo thực hiện

Ngày 5/12/2024, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW yêu cầu các đơn vị hoàn thành đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 12/2024 để phục vụ Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội bất thường sẽ được tổ chức vào tháng 2/2025.

Mọi việc diễn ra rất khẩn trương, trong vòng hai tháng, kể từ khi “cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức nhà nước” được phát động cho đến khi đề án sắp xếp lại bộ máy phải được hoàn thành.

Đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm theo phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”, “thời gian không chờ đợi”, “phải làm ngay, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”, “Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu".

Các “từ khóa” nổi bật trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư thời gian qua là “cách mạng”, “quyết liệt”, “khẩn trương”, “quyết tâm cao”, “cấp thiết”, “mạnh mẽ”, “làm nhanh”, “nỗ lực phi thường”, “cố gắng vượt bậc”…

Ngày 31/10/2024, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, đồng chí Tổng Bí thư gọi việc tinh gọn bộ máy là "cuộc cách mạng" và phải được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đến từng chi bộ, đảng viên thực hiện. Tổng Bí thư nêu rõ: Hiện nay, ngân sách đang chi khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Chúng ta không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ thì khoản chi sẽ lên đến 80-90% ngân sách, không còn tiền để làm các hoạt động khác. Bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển.

Sáu ngày sau bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, ngày 11/11/2024, tại trụ sở Trung ương Đảng, làm việc với Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đảng của Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, thống nhất về tư tưởng của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước.

Tiếp theo, ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư khẳng định: Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn. Thời gian không chờ đợi.

Ngày 1/12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18; tập trung các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư chỉ đạo: “Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là không thể chậm trễ hơn được nữa. Đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước. Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u”.

*Để nghị quyết đi vào trái tim, khối óc con người

Ở thời khắc tạo đà cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc thì việc học tập, tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở các cấp ủy, tổ chức Đảng càng có tầm quan trọng to lớn nhằm đưa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nhanh chóng thấm sâu vào trái tim, khối óc của cán bộ, đảng viên, quần chúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội để đạt hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện.

Nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết là khâu đầu tiên nhằm đưa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi vậy, việc đổi mới cách thức tổ chức quán triệt nghị quyết không bao giờ là đủ, chẳng hạn như giảm hội nghị “chay”, tăng tính thực tiễn, đối thoại, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nghị quyết, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số…

Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian qua liên tục tổ chức các đợt học tập, quán triệt nghị quyết theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu trong toàn quốc và đồng thời phát sóng trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình.

Trong những ngày này, hệ thống các cơ quan làm công tác tuyên giáo và dân vận cần tập trung toàn lực để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân “hiểu đúng, nắm rõ và đồng thuận cao” với các chủ trương, chính sách về tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, ủng hộ việc vận hành chỉnh thể hành chính mới của đất nước dù có thể phải đối mặt với những khó khăn ban đầu.

Song song với việc đổi mới hình thức tổ chức các hội nghị, các cấp ủy còn cần kết hợp phổ biến, tuyên truyền nghị quyết với nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo - qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các đoàn thể chính trị xã hội, mạng xã hội, trên các nhóm thông tin nội bộ…

Cần lựa chọn hình thức lớp học phù hợp với từng đối tượng, đổi mới cách thức tổ chức lớp học, cách học với các hình thức đa dạng và cán bộ, đảng viên thuộc lĩnh vực nào thì tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên về lĩnh vực đó, xây dựng các tài liệu theo hướng chuyên sâu cho các đối tượng khác nhau.

Bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên có trình độ chuyên sâu về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu sâu sắc, biết vận dụng một cách phù hợp nội dung của nghị quyết ở từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị; tăng tính đối thoại, thảo luận dân chủ đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng trong quá trình truyền đạt nghị quyết…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục