Nghị quyết 02/NQ-CP: Nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

11:38' - 12/02/2022
BNEWS Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Năm 2022, tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Theo đó, tỉnh phấn đấu tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Đồng thời giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu giải pháp cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và công nghệ tốt, dự án xanh,… gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Các đơn vị thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; triển khai ngay các giải pháp của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu theo chủ trương, chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình vay vốn tín dụng ngân hàng.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để đề xuất, kiến nghị thu hẹp phạm vi của một số ngành nghề; đưa ngành nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn hoặc do quản lý thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc mục tiêu quản lý không rõ ràng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là văn bản quy định chính sách mới, chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư.

Tỉnh cũng tăng cường các hoạt động thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; thực hiện đồng bộ cải cách hành chính với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Trà Vinh…

Năm 2021, tỉnh Trà Vinh thu hút được 17 dự án đầu tư; trong đó, 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 10.320 tỷ đồng và 1 dự án nước ngoài với vốn đăng ký 0,25 triệu USD.

Tuy thấp hơn 16 dự án đầu tư so với năm trước nhưng số vốn tăng 5.108 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh phát triển mới gần 400 doanh nghiêp, nâng tổng số toàn tỉnh hiện có gần 3.300 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn 48.695 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 96.500 lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục