Nghị quyết 15-NQ/TW, điểm tựa để Thủ đô cất cánh: Bài 1 - Nỗ lực, quyết tâm vượt "chướng ngại vật"

14:45' - 05/12/2022
BNEWS Khi thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị , Hà Nội sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn từ nhiều phía để Thủ đô bứt phá đi lên.

Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu: Hà Nội là thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển.

 

Nghị quyết ra đời trong bối cảnh Thủ đô đang bước vào giai đoạn quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, được cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô cũng như cả nước đồng tình, đánh giá cao, coi đây là điểm tựa cho Thủ đô cất cánh.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, khi thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, Hà Nội sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn từ nhiều phía để Thủ đô bứt phá đi lên. Phóng viên TTXVN thực hiện loạt 5 bài viết về chủ đề này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài 1: Nỗ lực, quyết tâm vượt "chướng ngại vật"

Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của quốc gia, có tiềm năng lợi thế bậc nhất cả nước. Nhưng Nghị quyết 15-NQ/TW cũng chỉ ra nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. 

Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chưa hoàn thành một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng đã đề ra. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

* Ngổn ngang những việc cần làm ngay

Hà Nội là một siêu đô thị xấp xỉ 10 triệu dân sinh sống và làm việc. Dân số đông, địa bàn rộng, khiến công tác quản lý xã hội, quản lý đô thị và đất đai, môi trường còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều dự án chậm triển khai. 

Theo báo cáo của ngành chức năng, Hà Nội hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý. Những quận, huyện chiếm số lượng dự án chậm tiến độ nhiều nhất ở Hà Nội là Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh 47 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án...

Từng một thời "gây sốt" trên thị trường bất động sản nhưng hiện nay, nhiều dự án ở huyện Mê Linh vẫn "giậm chân" tại chỗ.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Tiền Phong, Đại Thịnh, Thanh Lân có khá nhiều khu đất dự án bị bỏ hoang từ nhiều năm qua. Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi một số dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh như các khu đô thị mới Prime Group, BMC, Việt Á...

Đất nông nghiệp bờ xôi ruộng mật của nông dân đang bị bỏ hoang, gây phản cảm. Tiềm lực đất đai chưa được khai thác, dẫn tới không tạo được việc làm và của cải vật chất cho địa phương. Nhiều gia đình bị thu hồi đất, không còn sản xuất nông nghiệp được nữa, phải tìm kiếm việc làm khác, cuộc sống thiếu ổn định.

Không chỉ ở huyện ngoại thành mà quận Hoàng Mai cũng có nhiều dự án được phê duyệt từ lâu, nhưng nay cũng "đắp chiếu". Đơn cử dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai) do Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư được phê duyệt từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống.

Nhiều vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, cần sớm được giải quyết, như ngập lụt, ùn tắc giao thông, thiếu chỗ chôn lấp, xử lý rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề xử lý rác thải nhiều lúc rất bức xúc, khi người dân Nam Sơn (Sóc Sơn) chặn không cho xe vào đổ rác tại bãi chôn lấp...

Ngoài ra, quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng là vấn đề "nóng", dễ phát sinh tiêu cực, gây  bức xúc, cần được quan tâm giải quyết. Tuyến Lê Văn Lương, Tố Hữu đã được kỳ vọng là con đường nối các huyện phía Tây thành phố với các quận nội đô. Nhưng vài năm trở lại đây, tuyến đường này luôn tắc nghẽn, ùn ứ giao thông vào giờ tan tầm. Nguyên nhân của tình trạng ùn tắc là do hai bên tuyến đường có dày đặc cao ốc được xây dựng.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, nhiều dự án, công trình, chủ đầu tư thi công sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế được phê duyệt. Việc thực hiện quy hoạch đầu tư, xây dựng dự án không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng xã hội, thiếu cây xanh, trường học, sân chơi, dịch vụ công cộng… Từ tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, có thể thấy những bất cập trong quy hoạch của Hà Nội.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, tại khu vực nông thôn của Hà Nội còn nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình đô thị hóa, mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Những nội dung trên cũng được Nghị quyết 15-NQ/TW đề cập, coi đó như những việc cần làm ngay của Hà Nội trước khi chạm mốc năm 2030.

* Cần những thay đổi thực chất

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong, Nghị quyết 15-NQ/TW ra đời hết sức phù hợp với trong bối cảnh Hà Nội hiện nay, sẽ giúp Thủ đô có thêm quyết tâm để xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc.

Qua các giai đoạn phát triển của đất nước có thể thấy, mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" luôn được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần đặt ra là "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước", là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Nhìn nhận ở góc độ trên, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, khi Bộ Chính trị tiếp tục nhấn mạnh các quan điểm trên sẽ "thổi" luồng sinh khí mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô cùng quyết tâm đồng lòng thực hiện Nghị quyết.

Mặt khác, khi Nghị quyết đặt vai trò của Hà Nội lên cao thì bộ máy lãnh đạo các cấp của thành phố càng phải cố gắng chứng minh sao cho đúng với vị trí, vai trò "trái tim" của cả nước. Việc bắt tay vào xử lý các vấn đề bức xúc từ cuộc sống như: Giao thông, quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai, giáo dục, y tế… là một đòi hỏi thực tiễn. Đã đến lúc, các cấp, ngành của thành phố cần hành động quyết liệt, thay đổi thực chất hơn vì mục tiêu chung.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong phân tích, đi đến một số xã, phường tại Thủ đô, thấy cơ sở vật chất, trụ sở khang trang, nhưng bộ máy hoạt động vẫn chưa được như mong muốn. Còn nhiều lời phàn nàn của người dân mỗi khi phải qua cửa "quan xã".

Thế nên, trước hết và trên hết, trong triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW, Hà Nội cần tập trung nâng cao ý thức phục vụ nhân dân cho chính những công chức cấp xã, phường. Điều này cũng đúng với mục tiêu của Nghị quyết là "xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định".

Đồng quan điểm, ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, để Nghị quyết 15-NQ/TW đi vào cuộc sống đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ quản lý, người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải có quyết tâm chính trị cao, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, đạo đức, ý thức trách nhiệm, chủ động, tích cực, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sâu sát, gắn bó với nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện, với mục đích cao nhất là thực hiện thắng lợi Nghị quyết./.

Xem thêm:

>>Nghị quyết 15-NQ/TW, điểm tựa để Thủ đô cất cánh: Bài 2 - Triệu trái tim một mục đích

>>Nghị quyết 15-NQ/TW, điểm tựa để Thủ đô cất cánh: Bài 3 - Những mũi tiến công chủ lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục