Trung Quốc rung hồi chuông cảnh báo về stablecoin

06:30' - 19/07/2025
BNEWS Stablecoin đã nhận được sự chú ý và giám sát chặt chẽ hơn trong những tuần gần đây sau sự sụp đổ của một nền tảng quản lý tài sản kỹ thuật số với hơn 2 triệu thành viên.

Theo tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng), sau một vụ lừa đảo đầu tư liên quan đến stablecoin [một loại tiền mã hóa, neo giá trị vào một tài sản, thường là USD, hoặc một loại hàng hóa như vàng,..], khiến hàng triệu người trở thành nạn nhân, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu phát đi cảnh báo trên diện rộng đến người dân.

Các cơ quan quản lý tài chính địa phương trên khắp Trung Quốc đang đứng trước thách thức kiểm soát cơn sốt stablecoin, một lĩnh vực được xem là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động tài chính hỗn loạn, với nhiều vụ lừa đảo gây thiệt hại cho hàng triệu người.

Do đó, một số chính quyền địa phương của Trung Quốc đã đưa stablecoin lên vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự trong những tuần gần đây, đồng thời đưa ra cảnh báo khẩn cấp cho các nhà đầu tư về các hoạt động gây quỹ bất hợp pháp và các âm mưu lừa đảo.

 

Các cơ quan tài chính hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết đổi mới và thích ứng với tình hình tài chính hiện nay. Bên cạnh đó, chính quyền các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thâm Quyến, Tô Châu và Trùng Khánh cũng đã đưa ra những cảnh báo. Trong đó, chính quyền nhấn mạnh rằng các hoạt động tài chính bất hợp pháp, thường thu hút các nhà đầu tư bằng những lời hứa hẹn về lợi nhuận cao và lãi suất được đảm bảo, gây ra những rủi ro đáng kể cho an ninh tài chính công.

Lời cảnh báo trên được đưa ra khi một vụ lừa đảo đầu tư lớn - quảng cáo lợi nhuận cao bằng cách sử dụng các thuật ngữ và từ ngữ thời thượng như "USDT" (một loại stablecoin hàng đầu, còn được gọi là tether).

Các thủ phạm được cho là đã lừa đảo hơn 2 triệu nhà đầu tư. Âm mưu này đã gợi lại ký ức về sự sụp đổ lan rộng của các nền tảng cho vay ngang hàng ở Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2020 (hay còn gọi là P2P Lending - Peer-to-Peer Lending, là hình thức kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người vay tiền thông qua một nền tảng trực tuyến, không cần trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng hoặc công ty tài chính).

Do đó, chiêu trò tài chính nguy hiểm này đã làm dấy lên lo ngại về những thách thức liên quan đến quy định trong vấn đề quản lý các công nghệ tài chính mới nổi (fintech) trong nền kinh tế của Trung Quốc.

Và trong khi stablecoin đã trở thành một thuật ngữ thời thượng trong các cuộc thảo luận học thuật ở Bắc Kinh, các cơ quan tài chính, ngân hàng trung ương vẫn duy trì “siết chặt” tiền ảo, trong khi vẫn tập trung vào việc phát triển một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (e-CNY hay còn gọi là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số).

Khi hàng loạt cảnh báo của chính quyền địa phương nhận được sự chú ý, Hiệp hội Tài chính Internet Bắc Kinh ngày 9/7 thông tin rằng, những kẻ lừa đảo thường "gói ghém và thổi phồng các khái niệm phức tạp, mới nổi để tạo ra sự bất đối xứng thông tin và đánh lừa các nhà đầu tư".

Hai ngày sau, một cảnh báo từ chính quyền thành phố Tô Châu đã nêu bật những rủi ro pháp lý khi tham gia vào các giao dịch tiền ảo, và một hệ thống khen thưởng đã được đưa ra cho việc báo cáo các hoạt động bất hợp pháp. Một chuyên gia tiền tệ tại Bắc Kinh cho biết: "Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là một nhóm người thiếu hiểu biết đang bị lừa bởi những kẻ có ý đồ xấu", đồng thời chỉ ra điều mà ông coi là một cơn sốt hỗn loạn xung quanh các stablecoin.

Trong khi đó, Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã đưa ra các quy định mới về stablecoin sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8, cho phép phát hành stablecoin và định vị thành phố này dẫn đầu trong đổi mới tiền điện tử.

Không giống như ở Hong Kong, hệ sinh thái công nghệ tài chính (fintech) của Trung Quốc đại lục (với phí chuyển khoản gần như bằng 0 và chi phí thời gian thấp) rất thuận tiện cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, giúp giảm nhu cầu về stablecoin.

Stablecoin đã nhận được sự chú ý và giám sát chặt chẽ hơn trong những tuần gần đây sau sự sụp đổ của một nền tảng quản lý tài sản kỹ thuật số với hơn 2 triệu thành viên, sở hữu 13 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ USD) tiền quỹ và hứa hẹn lợi nhuận hàng ngày lên tới 1%. Sau khi các nhà đầu tư Trung Quốc bày tỏ lo ngại về số tiền không thể rút, người sáng lập nền tảng này được cho là đã nói trong một nhóm trò chuyện thành viên rằng ông đã trốn ra nước ngoài.

Bất chấp vụ bê bối, các quan chức và học giả Trung Quốc vẫn theo dõi sát sao sự phát triển của stablecoin, đặc biệt là khi sự gia tăng sử dụng stablecoin tại các nền kinh tế lớn như Mỹ có thể tác động sâu sắc đến thương mại toàn cầu.

Tuần trước, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước tại Thượng Hải đã tổ chức một buổi hội thảo nghiên cứu về xu hướng tiền điện tử và stablecoin. Theo một thông cáo chính thức, Bí thư Đảng ủy của cơ quan này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải "theo kịp các công nghệ mới nổi và đào sâu nghiên cứu về tiền kỹ thuật số".

Hoàng Nghị Bình - Viện trưởng Viện Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh và là thành viên ủy ban chính sách của Ngân

hàng Trung ương Trung Quốc, đã ủng hộ việc tham gia vào tài sản kỹ thuật số và stablecoin, lưu ý rằng Trung Quốc không thể bỏ lỡ cơ hội đổi mới và nên sử dụng Hong Kong làm nơi thử nghiệm quản lý stablecoin. Ông nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số và tài sản tài chính truyền thống sẽ cùng tồn tại trong một thời gian dài”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục