Nghị quyết 19 chủ động kết nối Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp

13:49' - 18/05/2016
BNEWS Nghị quyết 19 kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong việc rà soát đánh giá để hợp tác hiệu quả hơn với Cơ quan Nhà nước để giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016/NQ-CP. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 18/5, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cùng với dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID (GIG) tổ chức triển khai Nghị quyết 19/2016/NQ-CP mới được ban hành với các Bộ, ngành, địa phương để cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, để Nghị quyết 19/2016/NQ-CP thực hiện hiệu quả, kinh nghiệm là theo đến cùng vấn đề và truy đến cùng trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý và địa phương.

TS Cung hy vọng, Chính phủ mới sẽ thực hiện tốt các cam kết mạnh mẽ về cải thiện môi trường kinh doanh phục vụ cho doanh nghiệp, đưa tinh thần đó “thấm” đến từng Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương. Có được điều đó, Nghị quyết 19/2016/NQ-CP và nhiều Nghị quyết khác sẽ được thực hiện hiệu quả.

Ông Michael Trueblood, Giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế và quản trị Nhà nước, USAID Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 19/2016/NQ-CP tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa Cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, cho đến các địa phương trong việc thúc đẩy môi trường cạnh tranh.

Đồng thời, Nghị quyết này cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong việc rà soát đánh giá để hợp tác hiệu quả hơn với Cơ quan Nhà nước để giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp mới, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua những cải cách mà Chính phủ có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả và tiết kiệm chi phí tuân thủ.

Tạo đà từ Nghị quyết 19 của các năm 2014-2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 lần thứ ba vào ngày 28/4/2016, với mục tiêu thứ hạng của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN 4 vào năm 2017 và ASEAN-3 vào năm 2020.

Nghị quyết 19 lần này, ngoài tham chiếu vào các chỉ số “Doing Bussiness” của Ngân hàng Thế giới, sẽ giới thiệu thêm cả chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số đánh giá toàn diện về năng lực cạnh tranh của hơn 140 nền kinh tế.

Nghị quyết 19/2016/NQ-CP tiếp tục chủ động kết nối Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và thiết lập trách nhiệm, nhiệm vụ chi tiết cho 17 Bộ, các địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội nghề nghiệp để thúc đẩy tính hiệu quả và phối hợp giữa các Bộ, ngành.

Nhờ quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự tham gia của khối tư nhân cùng các cơ quan Nhà nước, sự triển khai Nghị quyết trong hai năm qua đã đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu để giảm thời gian thông quan cho các doanh nghiệp, giảm thời gian nộp thuế và hợp lý hóa nhiều thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP vẫn còn thách thức phía trước để tạo thuận lợi thương mại như: đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất nhập khẩu, đòi hỏi các nỗ lực chung tay của nhiều cơ quan Nhà nước và khu vực tư nhân.

“Nghị quyết 19/2016/NQ-CP vẫn là thách thức mới trong cải cách hành chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Hiện nay, có 35% hàng hóa xuất nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra trong quá trình thông quan tại cửa khẩu, nhưng sẽ phải giảm xuống 15% vào cuối năm nay, đây là công việc khổng lồ, không dễ thực hiện, là áp lực rất lớn đối với ngành hải quan”. - ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ.

Để nâng cao hiệu quả đối với việc thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, TS. Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng, Sở sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với những cam kết quốc tế trong các lĩnh vực: tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ…

Bên cạnh đó, bảo vệ nguồn sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thuận lợi.

Đối với lĩnh vực hải quan, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần thay đổi, cải tiến quy trình thủ tục hải quan; tăng cường số lượng trang thiết bị hiện đại; bổ sung nhân sự tại các cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa qua cửa khẩu nhanh chóng, chính xác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục