Nghị quyết số 68-NQ/TW: Gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực tư nhân

16:46' - 27/05/2025
BNEWS Điều cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng không chỉ là sự ra đời của sandbox, mà là cách nó được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống.
Ngày 27/5, tại Tọa đàm “Gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn nhân lực tư nhân” diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy mọi nền kinh tế duy trì được tăng trưởng bền vững đều có điểm chung là khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo để xây dựng đa dạng thể chế hỗ trợ thị trường.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái thúc đẩy tăng trưởng, trong đó phát triển khu vực tư nhân không thể chỉ dừng lại ở thông điệp chính trị, mà cần các đột phá thể chế cụ thể. Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế cao trong dài hạn đều được thúc đẩy bởi doanh nghiệp tư nhân trong nước, có thể là các tập đoàn lớn, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa… nhưng cũng đòi hòi một nền kinh tế mà ở đó môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao.

 
Liên quan đến đột phá chính sách từ một số Nghị quyết ban hành trong thời gian gần đây như Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 68-NQ/TW), ông Nguyễn Xuân Thành phân tích thêm, về thể chế Nghị quyết số 68-NQ/TW bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Còn về môi trường kinh doanh, giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm”; riêng môi trường pháp lý phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính và dân sự, giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.

Còn ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp đội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đánh giá, với những Nghị quyết được ban hành gần đây thì từ thông điệp chính trị đến hoạch định chính sách cho thấy có đột phá, đã tạo được niềm tin và động lực cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, làm sao để vượt qua những thách thức trong thiết kế và thực thi thì cần ban hành thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng khu vực doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tận dụng hiện quả, Việt Nam bứt phá là bài toán không dễ dàng.

Do đó, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia như xây dựng hệ thống đánh giá tuân thủ dành cho doanh nghiệp hoạt động thì tự nhiên câu chuyện kiểm tra, giám sát cắt giảm. Hay áp dụng cơ chế cơ sở dữ liệu chung cho toàn ngành, doanh nghiệp chỉ cần khai thông tin “một cửa”, hay nói cách khác là mọi bộ ngành có thể truy cập lấy thông tin doanh nghiệp từ một nguồn doanh nghiệp đã cung cấp.

 
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập Tập đoàn công nghệ tài chính MoMo cho cho biết, Nghị quyết số 68-NQ/TW có những vấn đề doanh nghiệp công nghệ và đổi mới sáng tạo quan tâm là xóa bỏ điều kiện kinh doanh, nhất là “xin – cho” và cơ chế huy động nguồn vốn. Trong bối cảnh công ty công nghệ phổ biến có thể bị quản lý bởi nhiều Bộ ngành, thì khi cắt bỏ thủ tục hành chính sẽ cắt giảm được chi phí và tuân thủ quy định pháp luật tốt hơn. Hay công ty khởi nghiệp không có tài sản thế chấp nên luôn gặp khó tiếp cận vốn, don đó Nhà nước tạo cơ chế chính sách có thể mở thêm nhiều kênh tiếp cận tài chính thì sẽ thúc đẩy lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Bá Diệp cũng chỉ ra rằng, việc Nhà nước đã bước đầu thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) – một khung pháp lý đặc biệt dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là một bước tiến rất lớn trong tư duy quản lý. Cơ chế chính sách này, cho phép doanh nghiệp công nghệ được thử nghiệm mô hình mới trong môi trường pháp lý linh hoạt, từ đó rút kinh nghiệm trước khi mở rộng triển khai.

Điều cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng không chỉ là sự ra đời của sandbox, mà là cách nó được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống – từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan quản lý đến cấp thực thi. Nếu làm được điều đó, sandbox sẽ không chỉ là chính sách mang tính biểu tượng, mà thực sự trở thành bệ phóng cho những mô hình kinh doanh đột phá.

Ghi nhận ý kiến nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ, cải cách thể chế là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và ‘rẻ’ nhất để hỗ trợ doanh nghiệp. Khi được tiếp sức bằng chính sách đúng đắn, kinh tế tư nhân sẽ bứt phá, trở thành trụ cột vững chắc của nền kinh tế, nên cần sự vào cuộc quyết liệt để Nghị quyết là đi vào hành trình song hành của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Vì vậy, muốn thực sự khơi thông nguồn lực tư nhân, điều quan trọng là biến Nghị quyết số 68-NQ/TW thành hành động cụ thể, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai một số cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đang được triển khai đồng bộ. Bởi việc ban hành chính sách là chưa đủ, mà điều quan trọng là chính sách đó có tạo được cơ chế tiếp cận nguồn lực công bằng và hiệu quả cho doanh nghiệp hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục