Nghịch lý làm được cầu thì mất đường

09:24' - 06/08/2021
BNEWS Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Yến Sơn (Thanh Hóa) bức xúc cho biết, nhà thầu làm xong cầu vượt đường sắt Bắc-Nam đã rút đi rồi, bỏ lại con đường lầy lội, khiến cả xã gánh chịu.

Khi làm cầu vượt đường sắt Bắc-Nam (tuyến Quốc lộ 217) vào năm 2018, Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) và nhà thầu đã mượn tuyến đường liên xã, đoạn qua xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa dài 968m để chở vật liệu.

Tuy nhiên, đến nay khi dự án hoàn thành, nhà thầu rút đi và "bỏ quên" đường với nhiều ổ trâu, ổ gà. Trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì lầy lội và cũng hơn 1 năm qua, người dân nơi đây gánh chịu và nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Chị Phạm Thị Chưng có nhà trên tuyến đường liên xã này cho biết: “Tuyến đường này đã bị hư hỏng nghiêm trọng, rất nhiều người đã bị tai nạn khi đi qua đây. Những hôm trời mưa, nước đọng thành ao, nhiều người đi xe máy bị thụt xuống những cái hố sâu. Còn vào những ngày trời nắng, bụi mù mịt. Tôi phải tưới nước từ 3-4 lần/ngày để ngăn bụi bẩn bay vào trong nhà. Ngoài ra, gia đình tôi cũng đã nhiều lần đổ đất, thậm chí đổ bê tông để trám vào các ổ trâu, ổ gà nhưng chỉ được một thời gian lại bong tróc”.

Trước thực trạng trên, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri của xã, huyện, tỉnh, người dân đã nhiều lần kiến nghị Ban quản lý dự án Thăng Long phải hoàn trả lại tuyến đường kể trên để đi lại thuận lợi và an toàn hơn nhưng chưa được thực hiện.

Chính quyền địa phương xã phải xử lý tình thế bằng cách trám vá lại con đường này, nhưng mật độ xe qua lại nhiều nên chỉ được ít hôm lại bung hết lên.

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Yến Sơn bức xúc cho biết, nhà thầu làm xong cầu vượt đường sắt Bắc-Nam đã rút đi rồi, bỏ lại con đường lầy lội, khiến cả xã gánh chịu.

UBND xã đã làm văn bản gửi lên các cấp kiến nghị, thậm chí ông Long đã trực tiếp đến Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án Thăng Long đề xuất xem xét chỉ đạo nhà thầu hoàn trả lại tuyến đường, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cũng theo ông Long vào thời điểm thi công tuyến đường cầu vượt này chỉ có một lối đi duy nhất là qua đường bê tông kể trên để chở vật liệt xây dựng vào công trình, nên có rất nhiều xe siêu trường, siêu trọng, xe trọng tải lớn đi qua đã phá nát cả đường bê tông.

Theo UBND xã Yến Sơn, trong quá trình sáp nhập xã Hà Lâm và Hà Ninh thành xã Yến Sơn, do thực hiện không tốt việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, nên xã Yến Sơn đã làm mất biên bản cam kết hoàn trả đường của chủ đầu tư và nhà thầu.

Cũng dựa vào lý do này, nhà thầu, chủ đầu tư không chịu làm lại đường cho dân. Nhưng dù có hay không có biên bản cam kết hoàn trả lại đường thì nhà thầu, chủ đầu tư cũng cần phải làm lại đường để người dân đi lại thuận lợi và tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khiên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa cho hay, khi thi công tuyến đường Quốc lộ 217, các nhà thầu không chỉ mượn đường ở xã Yên Sơn mà còn mượn đường ở nhiều địa phương khác.

Nhưng khi thi công xong, họ cũng không hoàn trả lại đường cho dân khiến đường xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Sở cũng đã nhận được văn bản của một số địa phương yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu hoàn trả lại đường cho dân.

Ông Khiên cũng đã trực tiếp trao đổi với các bên liên quan, nhưng đến thời điểm này, họ cũng chưa hoàn trả lại đường cho địa phương nào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục