Nghiên cứu đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá

13:06' - 08/06/2022
BNEWS Tại phiên chất vấn sáng 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên và tranh luận về giá sách giáo khoa, đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải trình về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Nêu câu hỏi về giá sách giáo khoa khi doanh nghiệp được xác định giá và kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng, giá sách giáo khoa là do Bộ Tài chính chứ không phải là Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Câu hỏi đặt ra là Bộ Tài chính có chia sẻ gì về vai trò trách nhiệm của thẩm định giá với sách giáo khoa?

Cũng quan tâm về giá sách giáo khoa, đại

 

biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho hay, hơn 2 năm về trước, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước thẩm định giá nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và khi nào hoàn thành để người dân yên tâm vào trong bối cảnh sắp vào năm học mới.

Trả lời câu hỏi về vấn đề giá sách giáo khoa của đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương), Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, giá sách giáo khoa không phải mặt hàng Nhà nước định giá mà được doanh nghiệp thực hiện.

Nhà nước chỉ thẩm định giá đối với những loại sách, sản phẩm mua bằng ngân sách Nhà nước; còn mặt hàng sách giáo khoa người mua sẽ lựa chọn mua chỗ nào tốt nhất, giá rẻ nhất, với tinh thần niêm yết giá công khai, minh bạch.

Tranh luận với phần trả lời này, Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng "bất ngờ" với quy định việc thẩm định giá chỉ thực hiện đối với các loại hàng hóa mua bằng ngân sách Nhà nước. Từ đó, đại biểu đề nghị sớm đưa giá sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt, phải được thẩm định giá và cần trợ giá cho học sinh ở những vùng khó khăn càng sớm, càng tốt. Khi sửa Luật Giá tới đây cần hết sức lưu ý sửa đổi tốt nhất, phục vụ nhân dân.

Trả lời, Bộ trưởng cho rằng, ý kiến đưa sách giáo khoa vào được thẩm định giá, bình ổn giá theo Luật Giá "là ý kiến rất hay, rất đúng". Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc đưa vào hay không là thẩm quyền của Quốc hội.

Hiện Luật Giá cũng đang trong quá trình sửa đổi và qua nghiên cứu, các cơ quan thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa đổi thời gian tới, để Quốc hội xem xét quyết định. Về phía Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có trao đổi, làm việc thống nhất đề xuất Chính phủ đưa sách giáo khoa vào trong Luật Giá.

Cho ý kiến về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng "đây là vấn đề liên quan đến tất cả mọi nhà". Thời gian sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính làm các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ và Quốc hội để có được một giải pháp ổn định và lâu dài cho vấn đề.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực biên soạn thông tư mới về vấn đề quy cách, quy chuẩn sách cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Quy cách và quy chuẩn này sẽ góp phần tác động vào giá sách và Bộ sẽ cố gắng làm thật nhanh việc yêu cầu doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí, tiết kiệm để giảm các khâu trung gian, giảm chi phí phát hành và thực hiện cạnh tranh lành mạnh. Bộ sẽ thực hiện đối với Nhà xuất bản Giáo dục, một doanh nghiệp do Bộ là cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, hiện nay có 5 đơn vị đang làm việc biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa. Đối với các đơn vị khác, các tác động chỉ đạo như vậy sẽ có khó khăn.

Trao đổi thêm về tình trạng sách bài tập, tham khảo, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục. Trong thông tư, Bộ cũng đã nghiêm cấm nhà trường, hiệu trưởng, giáo viên có bất kỳ hình thức ép buộc, gợi ý đối với phụ huynh trong việc mua sách không thuộc danh mục sách giáo khoa. Danh mục này đã được Bộ trưởng ký duyệt rất rõ ràng.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu, lãnh đạo các địa phương giúp kiểm soát, giám sát việc này đối với các trường học thuộc địa bàn.

* Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình phương án giảm thuế xăng dầu

Trước các câu hỏi về giảm giá thuế đối với xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trước tình trạng giá xăng dầu Việt Nam lên cao, vấn đề đặt ra là có giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, ngoài giải pháp giảm thuế, cũng cần thực hiện đồng bộ các chính sách khác. Bởi nếu chỉ giảm thuế để giảm giá nhưng vẫn để xảy ra buôn lậu thì không hiệu quả. Mặt khác, giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc thuế mà còn phục thuộc quan hệ cung cầu. Theo đó, cần phải đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng rà soát lại các loại thuế phí, phí nào là thuộc trách nhiệm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) tranh luận chưa đồng ý việc Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời về giá xăng dầu. Theo ông Thân, nếu can thiệp vào giá xăng dầu quá nhiều sẽ không đúng giá thị trường. Đại biểu cho rằng, nên để giá xăng dầu tăng giảm tự nhiên theo giá thế giới, can thiệp đúng mức, chứ không cố gắng để giảm giá xuống thấp nhất.

Trả lời tranh luận này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá nên lúc nào đó Nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, cạnh tranh, giải quyết lao động, từ đó, tích lũy cho nền kinh tế và khi đó sẽ được thu thuế thông qua tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế... Bộ trưởng cho rằng, đây là một giải pháp, tuy nhiên, giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động.

* Phối hợp cùng Bộ Công an xác minh vụ xe biếu, tặng

Tại phiên họp, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) chất vấn về việc thời gian qua, báo chí phản ánh về hiện tượng xe biếu, tặng lách luật, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Về xe biếu, tặng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định đối với các hãng phải đăng ký đại lý tại Việt Nam để chuyển xe và mua qua đại lý. Tuy nhiên, nhiều loại xe số lượng ít nên không có đại lý. Vì vậy, lợi dụng lỗ hổng này, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu, tặng. Theo quy định hiện hành, hình thức biếu tặng không được giảm bất cứ một loại thuế nào, không được miễn bất cứ loại thuế nào, kể cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập. Qua phản ánh của báo chí, Bộ đã tổ chức kiểm tra.

"Qua kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp kê khai theo giá thấp, cơ quan hải quan căn cứ theo quy định, xác định rõ và đã truy thu thuế với các doanh nghiệp này" - Bộ trưởng cho biết.

Sau khi báo chí phản ánh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an để xử lý vấn đề này. Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan đã phối hợp cùng Bộ Công an tiến hành xác minh xử lý; đến nay, vẫn chưa có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo các cục thuế, hải quan địa phương kiểm tra rà soát, định giá lại, Bộ Tài chính không phát hiện ra vấn đề thất thu thuế, các loại thuế đều đã được thu đầy đủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục