Nghiên cứu thành công giống lúa có chỉ số đường huyết cực thấp

11:27' - 17/10/2023
BNEWS Tại Đại hội Lúa gạo quốc tế 2023, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và Trung tâm Nghiên cứu CGIAR đã tìm ra các gen giúp làm tối thiểu chỉ số đường huyết của lúa gạo.

Phát hiện khoa học này mang tính đột phá, giúp chuyển đổi các giống lúa thông thường thành giống có chỉ số đường huyết thấp và vẫn đảm bảo năng suất cũng như chất lượng hạt gạo.

IRRI phân loại mức chỉ số đường huyết dưới 45 là cực thấp, 46-55 là thấp, 56-69 là trung bình và cao là 70 trở lên. Dòng lúa cực thấp được phát hiện mới nhất có chỉ số đường huyết 44.

Bệnh tiểu đường đang gia tăng trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, có 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2021 và con số này dự kiến sẽ tăng 47% vào năm 2047. Nhiều giống lúa trồng hiện nay tuy có chất lượng tốt, nhưng chỉ số CSĐH dao động từ 70 - 92, không tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường.

Năm 2019, IRRI đã tìm thấy các dấu hiệu đặc chủng giống lúa, có ý nghĩa rất lớn để phân biệt chỉ số đường huyết trung bình và cao. Đây chính là bước đột phá trong khoa học nhằm phát triển các giống lúa năng suất cao, chỉ số đường huyết thấp.

“Với nghiên cứu này, chúng tôi nỗ lực đảm bảo sức khỏe người sử dụng. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các quốc gia để đẩy nhanh việc khai thác các giống lúa chỉ số đường huyết thấp và cực thấp”, Tổng giám đốc IRRI Ajay Kohli nói.

Tiến sĩ Nese Sreenivasulu, Trưởng bộ phận Người tiêu dùng của IRRI cho biết, phát hiện mới nhất của IRRI mở ra cơ hội phát triển các giống lúa có chỉ số đường huyết cực thấp, đáp ứng nhu cầu sức khỏe và sở thích ăn uống của người tiêu dùng.

Là người đứng đầu dự án nghiên cứu, ông kêu gọi sự hợp tác của các tổ chức quốc tế. Phương pháp nghiên cứu cũng có thể chuyển đổi các giống lúa có chỉ số đường huyết thấp và cực thấp thành các giống lúa thông thường.

Lô mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp, được phát triển từ giống Samba Mahsuri x IR36ae, đã chính thức được trình lên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại lễ khai mạc Đại hội Lúa gạo Quốc tế lần thứ 6 - IRC 2023.

Bộ Nông nghiệp Philippines đang tiếp tục nghiên cứu nhằm nhân rộng, hiện thực hóa bước đột phá khoa học này. Trong tương lai gần, Bộ mong muốn có thể sản xuất các giống lúa Philippines có chỉ số đường huyết thấp với kỳ vọng được thị trường ưa chuộng.

 

Từ 16-19/10/2023, Đại hội Lúa gạo quốc tế 2023 tại Manila, Philippines sẽ cùng đàm thảo về các giải pháp chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm dựa trên lúa gạo. 

Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 6 – IRC 2023 là sự kiện lúa gạo lớn nhất thế giới do IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế) và Bộ Nông nghiệp Philippines đồng tổ chức. Đây là diễn đàn toàn cầu cho các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo cùng gặp gỡ, thảo luận về những thách thức, cơ hội của ngành lúa gạo nhằm đảm bảo hệ thống lương thực toàn cầu. 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI gửi thông điệp tới đại hội: “Lúa gạo là nguồn lương thực chính của hơn nửa dân số thế giới, đảm bảo nguồn cung, phân phối gạo bền vững, giá cả phải chăng là yếu tố then chốt để duy trì ổn định chính trị xã hội ở nhiều quốc gia.

Đồng thời, cải thiện ngành lúa gạo là giải pháp tối ưu để tăng thu nhập, sinh kế của hàng trăm triệu nông dân trồng lúa quy mô nhỏ. Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực tới hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu. Một tương lai không có nạn đói đòi hỏi nỗ lực tập thể, cần tất cả các quốc gia cùng hợp tác”./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục