Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

18:40' - 15/09/2023
BNEWS Chiều 15/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản.

Chiều 15/9, tại thành phố Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo NHNN Việt Nam, NHNN chi nhánh một số tỉnh, thành ĐBSCL, lãnh đạo UBND, các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp đầu mối, hợp tác xã có quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng tại một số tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam cho biết: NHNN luôn coi nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên để điều hành tập trung tín dụng, khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất - chế biến - đến thu mua, tiêu thụ.

Ngoài những chính sách chung hiện nay thì NHNH đã tập trung vốn, không để thiếu vốn, thiếu tiền mặt, thiếu các dịch vụ cung ứng tiền, cung ứng vốn tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề thu mua, chế biến, tạm trữ và xuất khẩu hàng hóa bằng tiền đồng và ngoại tệ.

Đặc biệt là làm sao để tranh thủ lợi ích tối đa về điều kiện thuận lợi hiện nay về xuất khẩu lúa gạo đồng thời giải quyết những khó khăn trong lĩnh vực thủy hải sản xuất khẩu còn đang khó khăn, thiếu đơn hàng cũng như tình trạng tồn kho còn khá khó khăn hiện nay.

Bên cạnh những biện pháp có tính chất chỉ đạo điều hành, thủ tục hành chính cần cắt giảm thì câu chuyện lãi suất hiện nay được các ngân hàng thương mại tích cực thực hiện. NHNN cũng sẽ có các cơ chế buộc các ngân hàng cạnh tranh với nhau hơn bằng lãi suất trên cơ sở đó có điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp thụ hưởng chính sách lãi suất thấp của các ngân hàng thương mại, không những chủ động hạ lãi suất mà bắt buộc phải hạ lãi suất để cạnh tranh với nhau, để giữ được chân các khách hàng tốt, trong đảm bảo chiếm lĩnh thị trường, đảm bảo mục tiêu tăng dư nợ tín dụng.

Mặt khác, NHNN đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc cùng với chính quyền địa phương, cùng với các hiệp hội tháo gỡ những vấn đề có tính chất rất cụ thể cho các doanh nghiệp, các tập đoàn, các dự án lớn, làm sao tháo gỡ được khó khăn hiện nay về lãi suất, về thủ tục, về sự linh hoạt của các ngân hàng thương mại đối với việc cho các doanh nghiệp vay, nhất là cho vay với tính chất mùa vụ gắn với nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

Từ hội nghị này cũng như các biện pháp của NHNN trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cởi mở hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa cho các ngân hàng thương mại, giúp cho việc tăng trưởng tín dụng tiếp cận tín dụng, thúc đẩy cho hoạt động cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cũng đã chia sẻ về kết quả đạt được của hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu đối với ngành hàng chủ lực thủy sản, lúa, gạo trên địa bàn vùng ĐBSCL và giá trị đóng góp của ngành này đối với sự phát triển kinh tế vùng nói riêng và của cả nước nói chung thời gian qua. Đặc biệt, Hội nghị đã nghe các Hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh khó khăn mà doanh nghiệp phải đang phải đối mặt, những vướng mắc trong quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng để cùng nhau tháo gỡ.

Cụ thể nhiều doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng nhà nước chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại cần có cơ chế, định mức vay thông thoáng hơn như: tăng thời hạn và định mức vay cho các doanh nghiệp có nhu cầu và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả, có chính sách giảm lãi suất cho vay ngoại tệ và đồng Việt Nam bởi trước đây doanh nghiệp đã vay với lãi suất rất cao trong khi tình hình tiêu thụ hàng hóa hiện đang gặp khó khăn, giảm bớt thủ tục để được vay, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đối với các doanh nghiệp.

Theo ông Lê Thanh Hạo Nhiên, CEO Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hiện nay nguồn vốn vay của ngân hàng đang đang bị thắt cổ chai ở chỗ doanh nghiệp nên NHNN cần có chính sách cho nông dân vay vốn trên cở sở các hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp thông qua việc cho vay về giống, vật tư nông nghiệp chứ không nhất thiết là phát vay bằng tiền mặt.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những đơn hàng lớn nên cũng rất cần các ngân hàng có chính sách tăng định mức cấp vốn tín dụng đồng thời tăng thời gian phát vay từ 6 tháng hiện nay lên 12 tháng hoặc 18 tháng để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư cho nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp chất lượng cao Trung An, hiện tại doanh nghiệp lúa gạo của Trung An hoạt động là không thiếu vốn.

Nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp hiện đã được các ngân hàng cho vay đảm bảo hoạt động tốt, thậm chí một số doanh nghiệp kinh doanh hiện tại còn thừa vốn vì sản xuất khó khăn không biết vay vốn để làm gì. Còn thiếu vốn hiện nay là thiếu vốn để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Vì vậy, bản thân mong muốn các ngân hàng cần có tư duy mới đầu tư cho vay để phát triển theo chuỗi giá trị cho 2 ngành hàng chủ lực của ĐBSCL là lúa gạo và thủy sản thì cả khu vực mới phát triển…

Theo bà Hà Thanh Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế-Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: kết quả, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản – là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng, cụ thể: (i) Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). (ii) Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng đối với 02 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yêu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục