Nghiên cứu thể chế các nước để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

12:15' - 17/03/2016
BNEWS Để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, việc nghiên cứu thể chế pháp luật kinh tế các nước trên thế giới là cần thiết và bổ ích.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 17/3, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức buổi tọa đàm “Thể chế pháp luật kinh tế của một số quốc gia trên thế giới” nhằm giới thiệu nội dung của việc nghiên cứu này; đồng thời, nhằm hoàn thiện những nội dung thông tin, cải cách thể chế của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho biết, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều Luật như: Luật Đầu tư công, Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… những văn bản pháp luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho quá trình cải cách thể chế kinh tế và có tác động lớn đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được thực hiện ba năm qua.

“Để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, việc nghiên cứu thể chế pháp luật kinh tế các nước trên thế giới là cần thiết và bổ ích. Tuy nhiên, không có câu trả lời tuyệt đối về lựa chọn pháp luật theo hình mẫu quốc gia nào”, ông Cung nhấn mạnh

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hệ thống pháp luật các nước ngày càng tiệm cận với nhau hơn; bản thân pháp luật cũng có tính kề thừa, tính đặc thù xã hội và văn hóa.

Do vậy, việc nghiên cứu các quy phạm pháp luật các quốc gia khác chỉ mang tính chất tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để từ đó đưa ra lựa chọn chính sách phù hợp cho Việt Nam . Theo đó, sáu quốc gia được lựa chọn nghiên cứu là: Hoa Kỳ, Australia, Đức, Hàn Quốc , Malaysia và Cộng hòa Liên bang Nga.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Một trong những nội dung chính được cuốn sách đề cập là: những luật điều chỉnh hành vi của các chủ thể trên thị trường từ khi gia nhập thị trường. Nghiên cứu đã xem xét và đánh giá đặc trưng của các luật chủ yếu, trong một số trường hợp là các điều chỉnh và tác động đến hành vi của những chủ thể trong thị trường tại các quốc gia trên, qua đó tác động đến sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Bên cạnh đó, trong các trường hợp lựa chọn nghiên cứu, thiết chế được hình thành và cơ bản được hoàn thiện để quản lý và điều tiết thị trường nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên.

Cuốn sách cũng đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cho việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các luật nhằm góp phần đa dạng hóa pháp luật kinh tế và hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Dương Đăng Huệ, Trung tâm Thông tin, Tư vấn Pháp luật, Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp, Bộ Tư pháp cho rằng, đây là cuốn sách hết sức cần thiết. Với những phân tích mang tính giới thiệu về thể chế pháp luật kinh tế của các quốc gia được lựa chọn nghiên cứu, cuốn sách này sẽ được gợi mở hướng tìm hiểu, phân tích cho những nghiên cứu tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục