Cải cách thể chế - điểm tựa cho doanh nghiệp vươn lên

05:35' - 14/10/2015
BNEWS Sự thành bại của doanh nghiệp được quyết định không chỉ bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô mà còn bởi những hành vi công vụ hàng ngày.

Hơn 1 năm nay kế hoạch thành lập công ty cổ phần về xử lý môi trường cho khu công nghiệp của ông Nguyễn Nhân Phượng, Tổng giám đốc, Công ty TNHH Giấy và Bao bì Phú Giang, vẫn chưa thực hiện được.

Dù với cương vị hiện thời của ông là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Bắc Ninh, và là người vốn được mệnh danh là ông Vua Giấy đất Kinh Bắc, cũng như với tầm quan hệ của một doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho số đông người lao động… dường như chưa giúp thúc đẩy được tiến độ của dự án.

Ảnh minh họa (TTXVN)

Cần sự hậu thuẫn về mọi mặt

Tại Đại hội thi đua yêu nước Khối doanh nghiệp, doanh nhân toàn quốc lần thứ nhất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông cũng như nhiều doanh nghiệp khác có nhiều ý kiến phàn nàn về thực trạng quan liêu, nhũng nhiễu của nhiều cán bộ, công chức đang thừa hành công vụ.

Họ nói: “Đúng là từ câu nói tới việc làm vẫn còn xa lắm. Cải cách hành chính được nói nhiều, nhắc tới nhiều và đã từ lâu, nhưng doanh nghiệp chưa thấy nhiều hiệu quả và lợi ích thực sự”. 

Quay lại dự án thành lập công ty xử lý môi trường của ông Nguyễn Nhân Phượng, được biết, nguyên do chỉ vì chưa xong đền bù đất. Dù dự án nằm trên đất của khu công nghiệp, không thuộc tư nhân và đã có quyết định khảo sát từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhưng đơn vị được giao thiết kế vẫn kéo dài thời gian.

Ông Phượng cho biết đã phải chi một khoản không hề nhỏ để thuê trọn gói các đơn vị triển khai cho kịp tiến độ. Nhưng việc kéo dài thời gian, chậm hết lần này, tới lần khác đã khiến doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều phí tổn. 

“Lãnh đạo ở Tỉnh ủy, ở Ủy ban giờ đã thông thoáng rất nhiều. Cung cách làm việc của giám đốc các sở, ngành cũng tiến bộ nhiều do được cập nhập thông tin từ bên trên. Nhưng tệ quan liêu vẫn tồn tại…”, ông Phượng bức xúc.

Câu chuyện này minh chứng thêm cho những thông điệp mà Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhắc tới tại Đại hội: “Sự thành bại của doanh nghiệp trong cuộc hội nhập với thế giới được quyết định không chỉ bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô từ tầm Chính phủ, ở cấp Trung ương, mà còn được quyết định bởi những hành vi công vụ hàng ngày từ cấp xã phường, từ chị văn thư, anh hộ tịch...

Vì vậy, thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách hành chính là khép lại khoảng cách giữa lời nói với việc làm. Làm sao cho quyết tâm và chương trình đổi mới được quyết định từ Tổng hành dinh là Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, từ Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ ngành và các địa phương phải trở thành hành vi của đội ngũ công chức ở cơ sở”.

Yêu cầu về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính liên quan tới các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh hay thuế, hải quan… chính là sự hậu thuẫn, hỗ trợ thiết thực nhất. Trong ảnh: Thủ tục mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp tại chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính liên quan tới các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh hay thuế, hải quan… chính là sự hậu thuẫn, hỗ trợ thiết thực nhất mà Nhà nước cần tập trung đẩy mạnh, đáp ứng chính xác nhất nguyện vọng và mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.    

Khẳng định vai trò động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế 

Việt Nam hiện có hàng triệu doanh nhân đang tổ chức quản lý và điều hành gần 500.000 doanh nghiệp, hơn 15.000 trang trại và hợp tác xã, cùng 4 triệu hộ kinh doanh… tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người lao động.

Mục tiêu đề ra từ nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong tổng số 5 triệu doanh nghiệp được thành lập. Để làm được điều đó, sẽ cần có một cuộc cách mạng về khởi nghiệp cũng như rất nhiều nỗ lực, phấn đấu để các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vươn lên tầm cỡ khu vực ASEAN, châu Á và thế giới. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, so với yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân hiện có vẫn chưa đông, chưa mạnh, vì bình quân 200 người dân mới có 1 doanh nghiệp. Khoảng 97% các doanh nghiệp trong nền kinh tế nước ta có qui mô nhỏ và siêu nhỏ.

Trong khi đó, ở các nền kinh tế phát triển cao, từ 15 đến 20 người dân là có 1 doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta sẽ phải cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu thế giới trên một sân chơi bình đẳng, dù trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ xếp ở thứ hạng thấp và là thấp nhất so với các đối tác cùng tham gia Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhận định về những khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thân, quyền Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đất nước mở cửa là điều đáng mừng cho các doanh nghiệp. Các hiệp định thương mại tự do đã, đang và sắp được ký kết cũng đáp ứng những mong mỏi lớn của cộng đồng doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội luôn là những thách thức lớn. Với cuộc hội nhập toàn cầu tới đây, nền kinh tế Việt Nam cần sự kết nối và hỗ trợ để đổi mới. Từ đây, các nhà quản lý phải vào cuộc, cải cách thủ tục hành chính phải bảo đảm cho doanh nghiệp các điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt và đầy đủ các quy định mà Việt Nam cam kết theo những hiệp định đã ký. Điều đó cần sự quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành chức năng.   

Để giúp các doanh nghiệp trụ vững và vượt lên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải nắm vững thông tin về hội nhập, phải phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch hành động một cách chủ động và tích cực trên các phương diện.

Trong trận chiến kinh tế mang tên “Hội nhập”, các doanh nghiệp luôn mong mỏi Nhà nước sẽ tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, một thể chế kinh tế thị trường đúng nghĩa… Đó chính là điểm tựa giúp các doanh nghiệp sẵn sàng cạnh tranh để vươn lên./.

Thạch Huê 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục