Nghiên cứu xây dựng đường hầm qua khu vực sân bay Đà Nẵng

12:34' - 26/05/2016
BNEWS UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản giao các cơ quan và đơn vị liên quan nghiên cứu các vấn đề về đầu tư xây dựng đường hầm qua khu vực sân bay quốc tế Đà Nẵng theo hướng Đông – Tây.

Ngày 26/5, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng và các đơn vị liên quan nghiên cứu các vấn đề về đầu tư xây dựng đường hầm qua khu vực sân bay quốc tế Đà Nẵng theo hướng Đông – Tây.

Phối cảnh hầm chui xuyên qua đường băng của sân bay Calgary ở Canada. Ảnh: Infonet

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu nghiên cứu về quy hoạch, giải pháp thiết kế, phương thức đầu tư… đường hầm này để kết nối giao thông, góp phần phát triển khu vực phía Tây Đà Nẵng; báo cáo UBND TP xem xét, quyết định trong tháng 6-2016.

Được biết, ý tưởng về xây dựng đường hầm qua khu vực sân bay quốc tế Đà Nẵng từng được một số người đề xuất với lãnh đạo TP Đà Nẵng, trong đó có KTS Vũ Quang Hùng (đề xuất ý tưởng khi ông còn là Phó Giám đốc Sở Xây dựng và hiện ông là Giám đốc Sở), KTS Nguyễn Đăng Thịnh, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế và xây dựng Âu Việt (Đà Nẵng)...

Tốt nghiệp về thiết kế công trình tại Đại học Xây dựng Hà Nội năm 2002, KTS Nguyễn Đăng Thịnh cho rằng TP Đà Nẵng chưa nên đầu tư xây dựng hầm chui qua sông Hàn ở thời điểm này. Thay vào đó, nên đầu tư xây dựng đường hầm xuyên qua khu vực sân bay quốc tế Đà Nẵng (cùng với điều chỉnh vị trí ga đường sắt mới) để nối phía Đông và phía Tây TP.

Theo KTS Nguyễn Đăng Thịnh, nghiên cứu thực hiện theo phương án này sẽ giúp giảm mật độ dân số ở trung tâm TP và tăng thời gian sử dụng hạ tầng kỹ thuật ở khu vực này; tăng dân số có định hướng một cách bền vững cho TP Đà Nẵng nhưng vẫn hạn chế được việc cải tạo, chỉnh trang, mở rộng đô thị trong tương lai gần. Đồng tời tạo môi trường sạch đẹp, giảm ô nhiễm ở khu vực trung tâm theo hướng cải tạo môi trường thay vì đầu tư công và đầu tư tập trung.

KTS Nguyễn Đăng Thịnh cũng cho tăng, việc thực hiện theo phương án này sẽ giúp tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách TP từ việc khai thác vùng đất hiện còn ít giá trị ở phía Tây TP, phát triển du lịch dịch vụ tuyến biển Thanh Bình – Liên Chiểu, vịnh Đà Nẵng; khai thác du lịch sinh thái đối với các khu vực xanh (như khu vực núi Phước Tường, Hòa Sơn).

Một đường hầm tương tự cũng sẽ được xây dựng xuyên qua sân bay quốc tế Đà Nẵng? (Ảnh: HC)

Thực hiện phương án này, theo KTS Nguyễn Đăng Thịnh, giao thông nối các quận, huyện của Đà Nẵng sẽ được gần hơn (giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân), giảm ùn tắc giao thông tuyến đường Điện Biên Phủ mà chưa cần đầu tư ngay cầu vượt Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương – Lê Độ để trong tương lai có thể đầu tư đường hai tầng). Đồng thời sẽ thuận lợi cho việc đầu tư các tuyến tàu điện ngầm cho TP Đà Nẵng (theo hai hướng Nam – Bắc, Đông – Tây).

Ngoài ra, theo KTS Nguyễn Đăng Thịnh, nghiên cứu thực hiện phương án này cũng sẽ góp phần định hướng lâu bền về quy hoạch cho TP Đà Nẵng trong trường hợp sân bay Đà Nẵng có thể sẽ chuyển đến vị trí khác trong tương lai, cũng như định hướng có tầm nhìn chiến lược về di dời các KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu...

Theo ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, nhiều sân bay quốc tế trên thế giới trong đó có sân bay Calgary ở Canada (Calgary International Airport - CYYC, YYC) xây dựng đường hầm xuyên qua đường băng với chiều dài 620m và 6 làn xe, được xây dựng từ năm 2014. 

Đà Nẵng cũng cần có 1 đường hầm như vậy để rút ngắn khoảng cách và kết nối giao thông 2 khu vực đô thị Đông và Tây sân bay Đà Nẵng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển KT-XH của Đà Nẵng. Tuy nhiên để thực hiện được điều này cần có sự táo bạo, đột phá cả trong ý tưởng và cơ chế.

Theo KTS Nguyễn Đăng Thịnh, TP Đà Nẵng chưa nên đầu tư xây dựng hầm chui qua sông Hàn ở thời điểm này do mật độ dân số, cơ quan, doanh nghiệp hiện tập trung quá lớn ở khu vực trung tâm hiện hữu. Nếu đầu tư hầm qua sông Hàn lúc này sẽ phát sinh thêm hạ tầng (cải tạo đường sá, xây dựng bãi đỗ xe...) để đáp ứng cho việc dân số tăng thêm ở khu vực trung tâm TP trong lúc nguồn vốn đầu tư còn hạn chế.

Bên cạnh đó, khi tăng thêm đầu tư công ở khu vực trung tâm TP sẽ làm tăng ô nhiễm môi trường (ô nhiễm do bụi, giảm diện tích cây xanh, mặt nước, tăng khí thải...), giá cả tiêu dùng sẽ tăng trong khi thu nhập của người dân chưa cao. Chưa kể, khi đầu tư tập trung ở trung tâm TP sẽ dẫn đến những hệ quả như dân cư dồn về khu vực này tăng lên, kéo theo chuyện chạy việc, chạy trường, chạy hộ khẩu... và làm mất cân bằng đô thị.

Theo KTS Nguyễn Đăng Thịnh, nếu xây dựng hầm qua sông Hàn ở thời điểm hiện nay thì nguồn thu cho TP Đà Nẵng có thể tăng thêm trong thời gian ngắn trước mắt, nhưng sẽ giảm thu trong tương lai và xét về tổng thể thì đây là việc đầu tư kém hiệu quả do đầu tư phát sinh không mang lại hiệu quả kinh tế nhiều.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục