Ngư dân Quảng Bình vững vàng trên hành trình vươn khơi, bám biển

15:02' - 26/10/2018
BNEWS Ngư dân Quảng Bình khát vọng vươn khơi bám biển không chỉ làm giàu mà còn thể hiện ý chí quyết tâm giữ nghề truyền thống của ông cha và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với ngư dân Quảng Bình khát vọng vươn khơi bám biển không chỉ là để khai thác tiềm năng kinh tế biển, làm giàu cho gia đình và xã hội mà cao hơn, đó là ý chí quyết tâm giữ nghề truyền thống của ông cha và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để hiện thực hóa điều này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, đồng hành của Trung ương và địa phương, ngư dân Quảng Bình đã đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại và liên kết thành tổ, đội để vươn khơi xa.

*Ngư dân giám nghĩ giám làm

Xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới là một trong những xã có truyền thống nghề biển lâu đời và đội tàu thuyền khai thác xa bờ khá lớn của tỉnh Quảng Bình. Trước đây, gia đình ông Nguyễn Công Hoan, thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới có 4 tàu cá cỡ nhỏ nên sản lượng và thu nhập mỗi chuyến biển mang lại không cao.

Năm 2012, ông Hoan quyết định chuyển đổi các tàu nhỏ để đóng 2 tàu lớn, công suất đạt 800CV/tàu và sắm mới nhiều thiết bị hiện đại như máy dò ngang, tời thủy lực…

Ngư dân Quảng Bình đóng tàu để tiếp tục bám trụ với nghề. Ảnh minh họa: TTXVN

Từ đó, năng lực đánh bắt của các tàu cá tăng từ 60-70% so với trước. Từ năm 2013 đến nay, gia đình ông Hoan thu về trên dưới 10 tỷ đồng/năm/tàu; cao điểm năm 2014-2015, tàu cá cứ ra biển là thu về tiền tỷ mỗi chuyến.

“Nghề biển là nghề truyền thống của cha ông từ bao đời để lại. Ngày nay, xã hội phát triển, để tiếp tục bám trụ được với nghề, có thu nhập cao từ nghề biển và vươn khơi ra ngư trường lớn thì ngư dân cần năng động, mạnh dạn tìm tòi, đầu tư các thiết bị, khoa học công nghệ hiện đại. Điều đó góp phần hỗ trợ rất nhiều trong các chuyến biển dài ngày được an toàn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Nguyễn Công Hoan bày tỏ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh cho biết, doanh thu từ nghề khai thác biển của xã mỗi năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Vừa qua, nhiều tàu cá xa bờ của địa phương có những chuyến biển bội thu nên ngư dân phấn khởi.

Điển hình trong tháng 8 và 9/2018, các tàu xa bờ có thu nhập trung bình từ 600-700 triệu đồng/tàu/chuyến biển. Đáng kể là tàu cá của các ngư dân: Nguyễn Công Hoan có chuyến biển đạt trên 2 tỷ đồng (2 tàu), Phạm Tuyển đạt trên 1,1 tỷ đồng Nguyễn Thiết Kế có thu nhập gần 1 tỷ đồng; với các sản phẩm chủ yếu là cá nục, cá ngừ, mực…”

Theo ngư dân địa phương, mỗi chuyến ra khơi của tàu cá xa bờ thường kéo dài từ 15-20 ngày, đến ngày trăng sáng tàu thuyền lại cập bến bảo dưỡng, thuyền viên được nghỉ ngơi và chuẩn bị hàng hóa cho chuyến biển tiếp theo. Ít ai biết, trong hành trình vươn khơi, bám biển, ngư dân thường đối mặt với nhiều vất vả, hiểm nguy, phải chống chọi với thiên tai và cả nhân tai giữa trùng khơi bao la.

Từ thực tế sản xuất, các tổ hợp tác, tổ đoàn kết trên biển đã được tự nguyện thành lập, cùng tương trợ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình vươn khơi bám biển. Hiện tỉnh có 175 tổ đoàn kết, 68 tổ hợp tác khai thác hải sản và 2 nghiệp đoàn nghề cá Bảo Ninh, Hải Thành.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình bày tỏ, các tổ đoàn kết, tổ hợp tác và nghiệp đoàn nghề cá đã tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, cứu hộ cứu nạn, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Đặc biệt, từ năm 2017, các tổ hợp tác, tổ đoàn kết đã kết nối liên kết thành các tổ biển xa để phát huy vai trò trong việc hỗ trợ sản xuất, cứu hộ cứu nạn, hạn chế các rủi ro nguy hiểm khi hoạt động khai thác xa bờ. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết được phát huy, hạn chế rủi ro của các tàu thuyền trên biển, việc liên kết sản xuất và sản lượng khai thác của ngư dân luôn ổn định. Riêng 9 tháng của năm, sản lượng khai thác thuỷ sản đạt trên 52.000 tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Ngư dân Hồ Đăng Toàn ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch hiện là chủ hai tàu cá xa bờ với tổng vốn đầu từ gần 30 tỷ đồng và Tổ trưởng Tổ hợp tác Hoàng Sa. Anh Toàn kể, Tổ hợp tác Hoàng Sa được thành lập năm 2013 với sự tham gia của 10 tàu xa bờ. Trước đây, cứ mỗi chuyến ra khơi mạnh ai lấy làm nên khi có rủi ro, bất trắc bất ngờ xảy ra với tàu và thuyền viên thì việc ứng cứu, giúp đỡ của tàu bạn gặp nhiều khó khăn.

Từ khi thành lập Tổ hợp tác Hoàng Sa, các tàu thành viên phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, chia sẻ ngư trường, giúp đỡ và ứng cứu kịp thời khi gặp rủi ro và hiệu quả sản xuất sau mỗi chuyến biển vì thế cũng cao hơn.

Anh Hồ Đăng Toàn phấn khởi chia sẻ: “Năm 2017, sau khi gia đình hạ thủy thành công tàu vỏ thép và trung bình mỗi chuyến biển tàu vỏ thép cho doanh thu từ 500-700 triệu đồng. Vui nhất là chuyến biển tháng 7 năm 2018, tàu vỏ thép thu về trên 1 tỷ đồng; thu nhập của thuyền viên luôn cao và khá ổn định”

*Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển

Bên cạnh những tính hiệu vui mang lại từ kinh tế biển thì thực tế cũng cho thấy những khó khăn, thánh thức mà nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang phải đối mặt. Đặc biệt là ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường biển và nhất là sự kiện Ủy ban châu Âu cảnh báo bằng thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác thủy sản và phát triển kinh tế biển của địa phương.

Theo nhiều ngư dân Quảng Bình, nghề biển khá bấp bênh vất vả; thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào ngư trường đánh bắt, có chuyến trúng đậm nhưng cũng không ít chuyến biển liên tiếp lỗ nặng. Bạn thuyền ngày một khan hiếm do thanh niên địa phương – lực lượng lao động chính trên các tàu cá xa bờ - có xu hướng đi xuất khẩu lao động tăng cao.

Ngư dân Quảng Bình mạnh dạn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá với số lượng tàu cá phát triển mạnh. Ảnh minh họa: TTXVN

Thêm vào đó, vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay và các chính sách hỗ trợ cho ngư dân còn hạn chế. Các tổ hợp tác, tổ đoàn kết chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể và mang tính bền vững.

Ngư dân Hồ Đăng Toàn, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bộc bạch: “Tàu vỏ thép của tôi đóng theo Nghị định 67, vốn đầu tư 25 tỷ đồng. Dù được thụ hưởng vốn vay với mức lãi suất thấp nhưng bình quân mỗi năm chúng tôi phải trả cả vốn lẫn lãi hơn 1,5 tỷ đồng.

Nếu biển được mùa thì việc chi trả không khó, nhưng nếu mất mùa thì con số này vượt sức chi trả, chưa kể các kinh phí phát sinh khác phải lo. Điều chúng tôi mong muốn là các cơ quan chức năng tạo điều kiện và đơn giản hóa các thủ tục cho ngư dân vay vốn đầu tư với lãi suất thấp.”

Để tiếp sức, đồng hành cùng ngư dân trên hành trình vươn khơi bám biển, Trung ương cũng như tỉnh Quảng Bình đã có các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Theo đó, Quảng Bình là địa phương thực hiện khá hiệu quả Nghị quyết số 459/NQ-UBTVQH14 về tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, là tỉnh thực hiện tốt Quyết định 48/2010/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10/2018, Quảng Bình đã trích gần 55 tỷ đồng để hỗ trợ cho chủ tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển. Đây là đợt hỗ trợ kinh phí lần thứ 5 trong năm 2018 cho các tàu cá tham gia khai thác hải sản trên vùng biển xa.

Ngoài các chính sách của Trung ương, hàng năm, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn để hỗ trợ ngư dân và tàu cá xa bờ. Qua đó, ngư dân mạnh dạn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá với số lượng tàu cá phát triển mạnh. Trung bình hàng năm tỉnh đóng mới, cải hoán từ 200 - 300 tàu cá khai thác xa bờ.

Việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2018 – 2020 cũng được các địa phương trong tỉnh triển khai tích cực. Việc quản lý cấp, thu hồi và gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản được thực hiện tốt với 100% tàu cá từ 20 CV trở lên được cấp phép.

Các ban, ngành trong tỉnh cũng đã tích cực phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong hoạt động kinh tế biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, cùng với việc hiện đại hoá đội tàu xa bờ, tỉnh đẩy mạnh việc tuyên truyền, giám sát tàu cá khai thác trên vùng biển xa về việc tuân thủ báo cáo vị trí chuyến biển, ghi nhật ký khai thác nhằm thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác theo đúng yêu cầu quy định.

Từ đó, nhằm góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của Quảng Bình./.

Xem thêm:

>>Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030

>>Nhiều dư địa để phát triển kinh tế biển Khánh Hòa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục