Vai trò của kinh tế biển đối với đảo ngọc Cuba

06:30' - 07/07/2018
BNEWS Nếu ai đã từng ghé thăm quốc đảo Cuba xinh đẹp, chắc hẳn sẽ không thể quên được thị trấn ven biển Varadero nức tiếng với những bãi cát trắng mịn trải dài và làn nước biển xanh trong vắt.

No Title

Vai trò của kinh tế biển đối với đảo ngọc Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Đến với Varadero, du khách có thể thoải mái tận hưởng cảm giác được thư giãn bên nắng vàng, biển xanh và cát trắng, thưởng thức những ly rượu rum đặc trưng có hương vị cay nồng cũng như hòa vào cùng các điệu nhảy Salsa điệu đà mang âm hưởng Latin.

Cộng với di sản văn hóa phong phú và môi trường an toàn, người dân thân thiện, cũng là điều dễ hiểu khi Varadero đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu của Cuba, mang lại nguồn thu to lớn cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện về “con gà đẻ trứng vàng” là cả một sự nỗ lực, cùng những chính sách cải cách hiệu quả đúng hướng của La Habana.

Tập trung vào các giá trị văn hóa – tinh thần

Trong năm 2017, kinh tế Cuba đã đạt tăng trưởng ở mức 1,6%, bất chấp nhiều thách thức và khó khăn lớn về tài chính, cộng với những thiệt hại do cơn bão Irma gây ra và tình trạng hạn hán kéo dài. Trong đó, một trong những trụ cột vững chãi nhất của nền kinh tế này chính là du lịch.

Năm 2017, bất chấp việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt các quy định về đi lại, ngành du lịch của Cuba vẫn đón hơn 4,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó số khách đến với khu nghỉ dưỡng biển nổi tiếng Varadero đạt kỷ lục 1,7 triệu lượt.

Khách du lịch nước ngoài tới Varadero nhiều nhất là từ Canada, tiếp đến là Đức, Nga, Tây Ban Nha và Pháp. Tuy nhiên sau khi Washington và La Habana tái thiết lập quan hệ ngoại giao và một số quy định về du lịch được nới lỏng, ngày càng có nhiều người Mỹ đến với khu nghỉ dưỡng xinh đẹp này. Hiện, du lịch đang là lĩnh vực mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai cho Cuba với doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm.

Chính vì những con số biết nói này mà Chính phủ Cuba từ trước đến nay, mặc dù luôn phải đối mặt với những điều kiện kinh tế khó khăn, vẫn luôn ưu tiên phát triển lĩnh vực du lịch trong việc quảng bá hình ảnh của đất nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Quyết tâm tạo ra những thay đổi của chính phủ được thể hiện rõ ràng nhất qua việc Mỹ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với nước này năm 2015 và kết quả là hai quốc gia đã bắt tay tuyên bố với cả thế giới về việc chính thức bình thường hoá quan hệ ngoại giao. Đó là cái bắt tay đã đi vào lịch sử thế giới.

Kể từ đó, chính sách di cư của Cuba đối với các công dân sang Mỹ cũng được nới lỏng, hiện nay mọi công dân Cuba có thể đi Mỹ để du lịch hoặc sống nếu có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, họ có thể ở lại Mỹ theo dạng định cư hoặc thăm thân mà không mất quốc tịch Cuba hoặc tài sản như trước.

Đây là một thay đổi lớn của Chính phủ Cuba nhằm tạo điều kiện cho các gia đình kiều dân Cuba ở bên kia có thể gặp gỡ gia đình sau nhiều năm xa cách, đồng thời là một cách để bày tỏ thiện chí muốn tiếp tục cải thiện quan hệ với Mỹ. Theo thống kê, từ khi hai quốc gia láng giềng bình thường hoá quan hệ, Cuba đã đón hơn 2 triệu lượt khách từ Mỹ, ngoài ra là du khách đến từ Canada, Đức, Nga, Trung Quốc…

Ngoài việc nới lỏng các quy định trong chính sách di cư, La Habana cũng bắt tay vào cải cách luật mua bán nhà, đất. Tiềm năng du lịch phong phú đã biến Cuba trở thành một quốc gia đáng sống trong mắt các du khách quốc tế. Kết quả là kể từ khi Chính phủ Cuba xoá bỏ lệnh cấm mua bán nhà đất với người dân trong nước và nước ngoài, đã có hàng nghìn người từ nhiều quốc gia tới đây xin định cư hoàn toàn để có thể sở hữu bất động sản.

Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2014 đã có 80.000 giao dịch mua bán xe cộ và 50.000 giao dịch về nhà, đất. Người Cuba và người nước ngoài ở Cuba hiện tại có thể sở hữu hai nhà chính chủ, một nhà trong thành phố và một nhà ở ngoại thành. Họ cũng tranh thủ đầu tư, cải thiện nhà ở làm các nhà nghỉ quy mô nhỏ và vừa nhằm phục vụ lượng khách du lịch ngày càng tăng.

Bên trong các khu nghỉ dưỡng sang trọng, bộ môn thể thao golf quý tộc cũng được chú trọng đầu tư từ rất sớm nhằm thu hút các du khách nước ngoài. Hồi năm 2015, để đón đầu quyết định bình thường hóa quan hệ với phía Mỹ, Chính phủ Cuba đã đồng ý để tập đoàn của Trung Quốc là Beijing Enterprise xây dựng một tổ hợp bao gồm sân golf và hệ thống chung cư, khách sạn cao cấp tại bờ biển phía Bắc, nằm giữa khu nghỉ mát bãi biển Havana và Varadero - hai điểm thu hút khách nổi tiếng nhất Cuba.

Trước đó, một công ty của Anh cũng đã ký một hợp đồng tương tự ở khu vực phía Đông khu nghỉ mát Varadero, có giá trị lên đến 350 triệu USD. Đây được coi là một trong những nỗ lực nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Chính phủ Cuba.

Tận dụng tài nguyên kinh tế biển ngoài du lịch

Cùng với các chương trình cập nhật hóa mô hình kinh tế, bên cạnh việc phát triển du lịch biển để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đất nước, Chính phủ Cuba cũng tập trung vào các gói cải cách nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào những dự án kinh tế ven biển, trong đó nổi bật nhất phải kể đến dự án đặc khu kinh tế cảng biển Mariel.

Từ năm 2013, cảng Mariel, nằm ở phía Tây thủ đô La Havana đã được xây dựng và đến nay đang phát triển rất mạnh mẽ. Đến tháng 11/2017, La Habana đã mở cửa chào đón Rimco - công ty chuyên cung cấp máy móc thiết bị của hãng Caterpillar, trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Mỹ có mặt tại đặc khu kinh tế này. Công ty Rimco đã đi vào hoạt động tại Cuba từ năm 2018 với việc thành lập nhà kho và chi nhánh phân phối sản phẩm của Caterpillar.

Có thể nói, việc Cuba cho phép công ty Rimco hoạt động tại Mariel là bước ngoặt đối với một quốc gia vốn nổi tiếng với những chính sách kinh tế chặt chẽ và nó mang một ý nghĩa lớn, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của chủ trương phát triển dự án cảng biển Mariel nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Đặc khu kinh tế cảng biển Mariel rộng hơn 400 km2 và bao gồm nhiều hợp phần, từ cảng biển, các khu công nghiệp tập trung các nhà máy sản xuất hàng hoá đa dạng, tới các khu đô thị, các hạng mục phát triển du lịch... Đây được coi là dự án mũi nhọn của Chính phủ Cuba nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Cuba đã chủ trương nới lỏng thuế, các thủ tục hải quan cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quốc tế.

Tới thời điểm này, đặc khu phát triển Mariel đã thu hút được gần 1,2 tỷ USD vốn đầu tư, trực tiếp tạo ra gần 5.000 việc làm cho người dân và sau 5 năm thành lập, đặc khu đã đi đúng hướng để trở thành động lực phát triển kinh tế của một Cuba đang trên con đường đổi mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục