Người bệnh COVID-19 có nên xông hơi?

11:31' - 24/02/2022
BNEWS Hiện nay, nhiều người dân mách nhau cách xông hơi bằng các loại thảo dược như sả, gừng, chanh… để phòng chống COVID-19.

Hiện nay, số lượng người dân Hà Nội mắc COVID-19 tăng cao, nhiều gia đình bị cả nhà: ông bà, bố mẹ, con cái, anh chị em… đều mắc. Bệnh tuy không nặng nhưng dẫn đến phải cách ly lần lượt, kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội và tinh thần của mọi người. 

 

Nhiều gia đình có thể dùng phương pháp xông giúp phòng bệnh cho người khỏe trong cùng một gia đình, hạn chế lây nhiễm.

Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình để thực hiện. Phương pháp này cũng khá dễ làm và rẻ tiền. Nhà nào không có máy xông hơi, có thể dùng nồi lá xông, cho các thảo dược vào, đun sôi lên một lúc, hít hà dần dần từng tí một để tránh bị bỏng hơi nóng. Ngoài dùng các thảo dược có thể nhỏ thêm vài giọt tinh dầu như tinh dầu quế, chanh, sả, gừng… vào nồi lá xông để xông.

Với các gia đình có máy xông có thể dùng máy xông hơi, nhỏ tinh dầu vào để xông phòng và hít xông mũi họng phòng bệnh COVID-19.

Bệnh nhân COVID-19, người khỏe mạnh có thể xông phòng, xông mũi họng bằng các loại thảo dược theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Để xông phòng ở, nơi làm việc, người dân có thể dùng các loại thuốc, tinh dầu có tác dụng phương hương hóa thấp với nguyên liệu như hoắc hương, sả, chanh, tía tô, tràm gió. Người dân có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g - 400g, tùy theo diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi nhỏ, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuyếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.

Hoặc người dân có thể sử dụng tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành. Tùy theo diện tích phòng để lấy lượng tinh dầu phù hợp, hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, khi virus đã nhiễm vào cơ thể thì xông nhiệt độ cao cũng không thể diệt được mà chỉ biện pháp giúp cải thiện triệu chứng. Bởi khi nhiễm, virus sẽ chui vào tế bào niêm mạc đường hô hấp, nhờ tế bào của người bị nhiễm sản xuất ra nhiều virus mới và xâm chiếm các tế bào lân cận, lúc này xông hơi nóng chỉ ở ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi cơ thể xuất hiện triệu chứng hô hấp (nghẹt mũi, sổ mũi, nhức đầu) có thể xông thảo dược để vừa giảm triệu chứng, vừa làm dịu thần kinh, giảm đau nhức, an thần, dễ ngủ. Nhưng cần tránh xông phủ kín toàn thân. Bởi khi mắc bệnh COVID-19, cơ thể đang rất mệt mỏi, suy nhược, ra mồ hôi nhiều, cần nhiều oxy để thở. Nếu xông toàn thân sẽ bị mất nước, khó thở và dễ chóng mặt và có khi choáng váng, ngất xỉu. Do đó, với những người nhiễm COVID-19, chống chỉ định xông toàn thân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục