Người chăn nuôi lợn ở Bến Tre e ngại tái đàn

11:53' - 07/10/2019
BNEWS Hơn 3 tháng kể từ ngày bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, đến nay bệnh dịch đã lan ra 73 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố với gần 700 hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.
Người chăn nuôi lợn Bến Tre e dè trong việc tái đàn vì dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng trong toàn tỉnh. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN

Hơn 3 tháng kể từ ngày bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đến nay bệnh dịch đã lan ra 73 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố với gần 700 hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Nhớ lợn, nhưng ngại tái đàn là nỗi niềm chung của hầu hết các hộ chăn nuôi lợn ở Bến Tre.

Đàn lợn gần 90 con gồm lợn nái, lợn thịt của chị Nguyễn Thị Hồng, ấp Thủ Sở, xã Thạnh Ngãi là số “ca bệnh” đầu tiên của huyện Mỏ Cày Bắc bị tiêu hủy.  90 ngày qua, các dãy chuồng lợn nhà chị Hồng trống vắng.

Còn chị, cứ như người thẫn thờ. Chị Hồng bảo, mỗi khi ra chuồng lợn là tự dưng nước mắt chị ứa ra. Chị đi loanh quanh, nhìn từng cái máng lợn mà tưởng tượng ra bầy lợn kêu ột ột, eng éc eng éc đòi ăn.

Nhớ lợn là tâm trạng của hầu hết người chăn nuôi Bến Tre lúc này. Bởi con lợn đã gắn bó với họ từ nhiều năm và cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.

"Nhờ con lợn mà gia đình tôi cất được căn nhà khang trang này", anh Võ Văn Thắng, ấp Định Thái, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam chia sẻ.

Từ ngày đàn lợn gần 100 con bị tiêu hủy, khoản nợ tiền thức ăn cho lợn gần 200 triệu đồng chưa trả hết, anh Thắng mở quán nước nhỏ ngoài bến xe Mỏ Cày cho vợ bán để kiếm đồng ra đồng vào lo cuộc sống hằng ngày, còn anh thì đi phụ cửa hàng vật tư xây dựng để kiếm tiền trả nợ.

Các dãy chuồng lợn nhà anh Thắng vắng lặng, chỉ có những lớp vôi trắng tiêu độc khử trùng vẫn và những cái máng lợn, bóng đèn bám bụi.

“Đi làm thì thôi chứ về nhà là không dám ra chuồng lợn, nhớ quay quắt. Chưa bao giờ hình dung nhà lại ...vắng lặng tiếng lợn lâu như thời điểm này”, vợ anh Thắng xót xa.Mấy chục năm ăn, ngủ, thức giấc cũng có hình bóng đàn lợn.

Thế mà, cả gia tài bỗng chốc biến mất trong một ngày. Nhớ lợn nhưng nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Bến Tre chưa dám "liều" để tái đàn. Bởi dịch bệnh mỗi ngày mỗi lan rộng ra khắp các ấp, các xã của cả tỉnh.

Sau khi đàn lợn bị tiêu hủy, chị Nguyễn Thị Hồng, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc chuyển sang nuôi gà, vịt để có thêm thu nhập. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN

“Chị cũng muốn nuôi trở lại nhưng mà sợ bệnh này có tái phát lại hay không. Nếu nhà nước hỗ trợ con giống hay thuốc ngừa thì chị sẽ tiếp tục lại”, chị Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Để có thu nhập trang trải cuộc sống và khỏa lấp nỗi nhớ lợn, chị Hồng tạm thời chuyển đổi sang nuôi gà, nuôi vịt.

"Chắc có lẽ chị sẽ đi làm nghề gì đó hoặc nuôi gà, vịt để kiếm ít vốn trả nợ, lo kinh tế gia đình. Đợi thời gian bệnh lắng dịu mới tính tiếp chứ giờ mà nuôi lại thì lỡ nó chết nữa thì chị không biết phải làm thế nào?", chị Phạm Thị Sang, ấp Định Thái, xã Định Thủy cười buồn.

Còn anh Võ Văn Thắng thì quyết định đợi khoảng 6 tháng sau xem tình hình thế nào mới tính chuyện tái đàn lợn mới. Còn bây giờ thì anh không tái đàn vì sợ vi rút gây bệnh vẫn còn lưu trú đâu đó.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam Phạm Văn Ngời , người dân rất e dè trong việc tái đàn vì sợ lợn sẽ bị nhiễm bệnh.

Nhà nào lợn không bệnh, có lợn nái đẻ con thì để nuôi tiếp chứ không ai dám mua lợn con về nuôi vì sợ “mất cả chì lẫn chài”.

Người chăn nuôi nào còn lợn trong chuồng vào thời điểm này cũng mong bán cho hết đàn lợn trước khi bệnh dịch tả châu Phi đến gia đình mình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập đã đề nghị ngành chăn nuôi cần tuyên truyền cho người dân thận trọng khi tái đàn trong thời điểm dịch đang lan rộng.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, hiện nay, lợn con mua vào giá thành cao nhưng chất lượng giống chưa được kiểm soát sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh, như vậy người chăn nuôi sẽ có nguy cơ lỗ, khiến bệnh dịch không được xử lý triệt để.

Vì vậy, những xã, những nơi có điều kiện mới tái đàn hoặc xem xét nên chuyển đổi sang loại gia súc, gia cầm nào để đem lại hiệu quả. Người dân nếu tái đàn nên chọn mô hình chăn nuôi an toàn sinh học./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục