Người dân mỏi mòn chờ xây dựng lại cầu Phong Hòa (Đồng Tháp)

15:10' - 04/04/2023
BNEWS Cách đây hơn 2 năm, cầu Phong Hòa (hay còn gọi là cầu Bù Húc) ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp bị ghe chở lúa tông sập.

Tuy nhiên, đến nay, cầu này vẫn chưa được xây dựng khiến việc lưu thông của người dân cũng như các em học sinh rất khó khăn, bất tiện.

 

Cầu Phong Hòa được xây dựng từ khá lâu, chiều dài khoảng 60 m, bắc qua kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền. Cầu này nối ấp Tân Lợi và ấp Tân An (xã Phong Hòa), phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của hơn 1.500 hộ dân của 2 ấp. Tuy nhiên, vào tháng 3/2021, một ghe chở lúa tải trọng khoảng 50 tấn đã tông sập cầu khiến người dân địa phương, nhất là hơn 150 học sinh của Trường Tiểu học Phong Hòa 2 lưu thông khó khăn.

Hơn 2 năm nay kể từ khi cầu Phong Hòa bị sập, Ban tế tự Đình Phong Hòa tổ chức đưa rước miễn phí các em học sinh qua sông để đến trường. Ông Đào Văn Tam, Phó Ban tế tự Đình Phong Hòa cho hay, lúc đầu phải mượn chiếc ghe của một người dân trong xóm đưa đón học sinh. Sau đó, Ban đã vận động các nhà hảo tâm và phụ huynh đóng góp mua chiếc phà cũ để việc đưa đón học sinh an toàn hơn. Từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, mỗi ngày có 4 lượt qua sông đưa đón học sinh.

Em Võ Tấn Tài, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Phong Hoà 2 cho biết, từ khi sập cầu Phong Hòa đến nay, học sinh được cô chú chở qua phà miễn phí. Nếu không có phà này, học sinh phải đi đường vòng rất xa. Ai cũng mong cầu nhanh chóng được bắc lại để việc đi học dễ dàng hơn.

Hiện chiếc phà của Ban tế tự Đình Phong Hòa tạm thời đưa rước miễn phí cho học sinh đến trường nhưng không thể đưa người dân qua lại hai bên bến sông vì chưa được ngành chức năng cho phép.

Việc đi lại bất tiện vì bị “ngăn sông, cách đò” nên chợ Bù Húc (tọa lạc gần cầu Phong Hòa) cũng đìu hiu, vắng khách. “Từ khi cầu sập, người dân bên kia sông đi mua hàng hóa ở chợ khác, không qua chợ Bù Húc nữa, lượng khách hàng giảm khoảng 80%. Lúc trước, chợ bán 2 buổi sáng - chiều, hiện giờ, vắng khách nên nghỉ bán buổi chiều. Người dân nơi đây rất trông chờ bắc lại cầu Phong Hòa”, bà Nguyễn Thị Tím, một tiểu thương chợ Bù Húc cho biết.

Khi có nhu cầu mua hàng hóa, vật dụng, những người trẻ có thể chạy xe gắn máy hơn 6 km để đến chợ Khu đô thị Phong Hòa. Còn những người lớn tuổi như bà Lê Thị Bé Sáu ở ấp Tân Lợi, xã Phong Hòa thì chỉ có cách bơi xuồng vượt sông để đến chợ Bù Húc. Theo bà Bé Sáu, người lớn tuổi không biết chạy xe thì đành bơi xuồng qua chợ cho gần nhưng cũng rất nguy hiểm bởi bến sông trơn trượt, dễ té ngã.

Hơn 2 năm qua, tiểu thương chợ Bù Húc, học sinh và người dân mong muốn cầu Phong Hòa sớm được xây dựng để ấp Tân Lợi và Tân An nối lại đôi bờ như trước đây, giúp việc đi lại dễ dàng, tiết kiệm thời gian và an toàn; tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra khi sang sông bằng ghe, xuồng, nhất là vào mùa mưa, lũ. Đồng thời, việc vận chuyển, giao thương hàng hóa thuận tiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Chủ tịch UBND xã Phong Hòa Huỳnh Văn Cuộc cho hay, việc xây dựng lại cầu Phong Hòa rất cần thiết để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Gần hai bên đầu cầu có Trường Tiểu học Phong Hòa 2, Đình Phong Hòa (được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh) và chợ Bù Húc. Từ khi cầu sập đến nay đã hơn 2 năm, việc mua bán ở chợ rất khó khăn, gần như bế tắc; học sinh đến trường càng khó khăn hơn. Địa phương đã vận động Ban tế tự Đình Phong Hòa tổ chức đưa rước học sinh miễn phí nhưng về lâu dài thì vấn đề không khả thi. Nhu cầu nhất thiết của người dân địa phương là cần có cây cầu, kết nối 2 ấp Tân Lợi và Tân An.

Hiện nay, chính quyền xã Phong Hòa đã kết nối với Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường huyện Lai Vung, Đội thi công cầu đường thiện nguyện và người dân để vận động, xã hội hóa trong việc bắc lại cầu Phong Hòa. Theo Đội thi công cầu đường thiện nguyện huyện Lai Vung, dự kiến cầu Phong Hòa mới sẽ dài 72m (kể cả đường dẫn), rộng 4 m, tĩnh không thông thuyền khoảng 4,5m với kinh phí dự toán hơn 1,3 tỷ đồng.

Khảo sát để xây cầu cho thấy vẫn vướng vấn đề thủ tục vì cầu phải xây dựng đúng quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, được sự đồng ý của Bộ Giao thông Vận tải. Nếu cây cầu mới xây cao để đảm bảo tĩnh không thông thuyền theo quy định thì phải nối dài 2 tuyến đường dẫn lên cầu, kéo, theo đó là sẽ di dời hơn 10 hộ ở chân cầu phía bờ ấp Tân Lợi, việc làm này càng thêm khó khăn và tốn nhiều kinh phí - ông Cuộc chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết, tỉnh cũng thống nhất chủ trương cho xây dựng tạm cầu Phong Hòa để phục vụ người dân lưu thông. Tuy nhiên, tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. Cầu muốn xây dựng phải đảm bảo tĩnh không thông thuyền 7m, chiều rộng thông thuyền ngang khoảng 30m nên quy mô cầu rất lớn nhưng địa phương đang gặp khó về nguồn vốn. Nếu muốn xây cầu tạm, tĩnh không thông thuyền thấp hơn quy định thì phải xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục