Người dân Thủ đô dễ tiếp cận thủ tục đất đai nhờ chuyển đổi số

11:14' - 16/12/2024
BNEWS Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai và môi trường để người dân Thủ đô dễ tiếp cận.

Xác định lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản… là những vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung trong cải cách hành chính, đặc biệt là việc ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và vì sự hài lòng của người dân.

Theo đó, Sở yêu cầu cán bộ công chức, viên chức, người lao động hiểu rõ tầm quan trọng của cải cách hành chính; coi đây là thước đo, cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị và từng cá nhân. 

Nâng cao thứ hạng các chỉ số

Trọng tâm trong thực hiện cải cách hành chính của Sở là cải thiện, nâng cao các chỉ số PAR INDEX (chỉ số cải cách hành chính), SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) và đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

 

Đáng chú ý, để nâng cao mức độ hài lòng của người dân, Sở triển khai Đề án mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại; ban hành kế hoạch về việc cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công; đồng thời, tăng cường nắm bắt thông tin, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, bất cập, đề xuất các giải pháp khắc phục.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, ngay từ đầu năm 2024, nhận thức rõ ý nghĩa rất quan trọng của việc cải thiện, nâng cao chỉ số PAR, INDEX, SIPAS, Sở đã quán triệt nâng cao trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là người đứng đầu; chủ động phối hợp với các ngành liên quan kịp thời giải quyết vướng mắc. Nhờ vậy, kết quả thực hiện các tiêu chí, tiêu chí thành phần chỉ số trên đã có nhiều chuyển biến rõ nét và đạt điểm cao hơn so với năm 2023.

Vì sự hài lòng của người dân

Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ động, linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai và môi trường.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam, hiện, 100% thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư; 100% báo cáo định kỳ thực hiện trên Hệ thống thông tin báo cáo của thành phố và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Sở cũng chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử… Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, chi tiết, cụ thể để tổ chức, cá nhân tiện theo dõi. Kết quả giải quyết cũng được công khai đúng theo quy định.

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, đến nay, công tác đo đạc, số hóa chỉnh lý bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai của Hà Nội đã đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, hạng mục đo đạc cơ bản xong tại 27/27 quận, huyện (trừ 3 địa phương là Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hòa đã triển khai theo Dự án VLAP); cơ bản hoàn thành ngoại nghiệp 475/489 xã, phường, thị trấn với 20.248 tờ bản đồ; nghiệm thu lập bản đồ nội nghiệp đối với 308/489 xã, phường, thị trấn và cơ bản kê khai 270/489 xã, phường, thị trấn (còn lại 219 xã, phường, thị trấn các đơn vị đang thực hiện).

Sở đang xây dựng cơ sở dữ liệu tại 290/489 xã (trong đó 30 xã đã nhập dữ liệu trên Excel, còn lại 160 xã, phường, thị trấn đang kê khai đăng ký đất đai). Ngoài ra, Sở đã cập nhật trên bản đồ đối với 26.505 thửa đất tại dự án phát triển nhà ở; các khu đất đấu giá, đất dịch vụ, đất giãn dân; đồng thời, cập nhật biến động đất đai vào hồ sơ địa chính đối với 81.245 thửa…

Là đơn vị trực thuộc Sở, trực tiếp liên quan đến người dân trong lĩnh vực đất đai, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính không chỉ đem lại sự hài lòng cho người dân mà còn góp phần hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số. Do vậy, đơn vị đã gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ này với nhiệm vụ cải cách hành chính, quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử, giảm tối đa tỷ lệ văn bản giấy. Đặc biệt, Văn phòng quy định chế tài nghiêm khắc để xử lý vi phạm đối với người đứng đầu và các viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ…

Theo ghi nhận thực tế tại một số chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, từ 6 - 7 giờ hằng ngày, số lượng người đến đăng ký giải quyết thủ tục hành chính đất đai rất đông. Tại đây, dù chưa đến giờ làm việc nhưng người dân đều được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thông qua các văn bản niêm yết cả bên ngoài và bên trong trụ sở tiếp đón nên việc đăng ký, tiếp nhận, xử lý hồ sơ khá thuận lợi.

Để giảm tối đa tỷ lệ văn bản giấy trong chỉ đạo, điều hành, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã báo cáo Sở về việc rà soát thủ tục hành chính tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đề xuất tích hợp 21 thủ tục hành chính. Trong đó, đơn vị đề xuất thủ tục hành chính "Đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên, giấy tờ nhân thân, địa chỉ)" tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia lĩnh vực tài nguyên và môi trường chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, đơn vị tham mưu Tổng cục Quản lý đất đai quy trình thủ tục hành chính, tiếp tục cắt giảm thời gian giao dịch bảo đảm và đăng ký biến động thay đổi thông tin của chủ sử dụng đất.

Từ tháng 3/2023 đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tiếp nhận hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với hồ sơ "Đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận"; triển khai ứng dụng thủ tục hành chính liên thông các dịch vụ công trực tuyến và Cơ sở dữ liệu dân cư của thành phố, Chính phủ để xác minh định danh của công dân, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính, thay thế cho việc nộp bản giấy chứng minh nhân dân - hộ khẩu như trước đây.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính, chuyển đổi số; đồng thời chỉ đạo các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai làm tốt việc khảo sát để có các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân, tổ chức; góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục