Người dân Thừa Thiên - Huế giám sát phát triển đô thị thông minh

08:50' - 17/03/2019
BNEWS Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân bằng nhiều hình thức khác nhau thông qua các kênh thông tin.
Du khách trong nước đến tham quan Cố đô Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung phát triển dịch vụ đô thị thông minh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, hướng tới mục tiêu quản lý đô thị tinh gọn; bảo vệ môi trường hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh; dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện; làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; đồng thời tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.

Đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp cận với các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch.
Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, dịch vụ đô thị thông minh.

Đáng chú ý, từ tháng 8/2018, Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được thành lập và thí điểm triển khai giải pháp "phản ánh hiện trường" nhằm tiếp nhận các phản ánh của người dân về các lĩnh vực: Trật tự xây dựng; vệ sinh môi trường; hạ tầng giao thông; hạ tầng đô thị; an toàn, trật tự xã hội và chất lượng dịch vụ du lịch... cũng như các hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đây là một kênh mang tính "cảm biến xã hội" thông qua việc tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân.
Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân bằng nhiều hình thức khác nhau thông qua các kênh thông tin: Cổng thông tin tương tác (có địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn), trang facebook đô thị thông minh, zalo, thư điện tử, tổng đài…

Đặc biệt, thông qua ứng dụng di động dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế (HUE-S) hỗ trợ cho cả phiên bản Android và IOS, người dân có thể gửi các phản ánh về Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh kèm theo hình ảnh chụp và quay phim tại hiện trường.

Ngay lập tức, toàn bộ thông tin hình ảnh, nội dung, địa điểm ghi hình cùng số điện thoại người gửi sẽ được Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh tiếp nhận, phân loại nội dung và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Toàn bộ công tác xử lý phản ánh đều được công khai, qua đó người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan.
Qua thời gian triển khai, hiện quy trình phối hợp và xử lý phản ánh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng bước hoàn thiện.

Đến nay đã có 65 đơn vị tham gia vào xử lý phản ánh (100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 7/9 UBND cấp huyện (trừ huyện Nam Đông, A Lưới); 27 UBND phường thuộc thành phố Huế; Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh; Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế; Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế; Cục quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế; và 7 doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích).

Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh tỉnh đã tiếp nhận 206 phản ánh, kiến nghị từ công dân, tổ chức; trong đó 116 phản ánh kiến nghị đã được xử lý và có kết quả cụ thể từ các cơ quan chuyên môn.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết: Với hệ thống này người dân dễ dàng truy cập từ thiết bị di động được kết nối internet để gửi, cũng như có thể theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của mình.

Thông tin về phản ánh, nội dung, địa điểm cũng như hình ảnh sẽ được gửi đồng thời, từ đó giúp các cơ quan nhà nước sẽ có những phân tích và phương hướng xử lý các phản ánh một cách kịp thời, chính xác hơn.

Bên cạnh đó, các thông tin tương tác của người dân đều được công khai trên môi trường mạng, đem lại một số lợi ích nhất định.
Về khía cạnh người dân, sẽ tăng niềm tin và sự chủ động của mình khi tương tác với cơ quan nhà nước.

Nhà nước có công cụ theo dõi giám sát một cách tập trung, từ đó giám sát và quy trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận xử lý thông tin tương tác của người dân.

Đáng chú ý, khi mở rộng việc cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh sau này trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch…, thông qua việc đánh giá chất lượng dịch vụ, thông tin chất lượng dịch vụ sẽ được xếp hạng công khai để người dân có cơ sở lựa chọn dịch vụ tốt cho mình, từ đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ nhìn thấy được chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp và có phương án đổi mới, nâng cao chất lượng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục