Tháo gỡ những điểm nghẽn trong thực hiện Đề án Đô thị thông minh tại Cần Thơ

17:35' - 11/03/2019
BNEWS Đề án “Đô thị thông minh” được thành phố Cần Thơ xây dựng từ vài năm trước, với 57 dự án dự kiến áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến 2030.

Ngày 11/3, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) – đơn vị tư vấn, thi công dự án, để chỉ ra những điểm nghẽn và cách tháo gỡ, nhằm đẩy nhanh tiến độ Đề án “Đô thị thông minh”.

Đề án “Đô thị thông minh” được thành phố Cần Thơ xây dựng từ vài năm trước, với 57 dự án (4 dự án đầu tư hoàn toàn từ ngân sách, 53 dự án đầu tư theo mô hình công – tư PPP và thuê dịch vụ) dự kiến áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến 2030.

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, quản trị đô thị hiện đại, phát triển đô thị thịnh vượng. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, điểm nghẽn lớn nhất chính là nhận thức chưa đúng của một bộ phận lãnh đạo các sở, ngành, cho rằng “Đô thị thông minh” là việc ứng dụng công nghệ thông tin, đây là trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông, các sở ngành chỉ là đơn vị thụ hưởng.

Trên thực tế, các đơn vị phải cùng chung tay xây dựng Bộ chỉ số đo lường, dựa trên các đặc điểm đặc thù, cũng như những mong muốn “công nghệ hóa” cụ thể của từng ngành.

Có như vậy đơn vị tư vấn, thi công dự án mới xây dựng được hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung bám sát vào các tiêu chí, chỉ số của các ngành, đưa ra các thông số thực tế, có ích cho người sử dụng (người dân thành phố, du khách…).

Đồng tình với quan điểm trên, Sở Nội vụ đề nghị các sở, ngành được chủ động xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số của ngành. VNPT đóng vai trò là đơn vị hiện thực hóa và đưa số liệu lên hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung.

Sở Nội vụ cũng đề xuất việc coi trọng yếu tố con người trong qua trình thực hiện Đề án. Theo đó, đại diện sở, ngành tham gia vào Ban Đề án không nhất thiết phải là lãnh đạo sở, mà phải là người có am hiểu chuyên môn sâu trong lĩnh vực này, và sẽ theo sát Đề án trong suốt tiến trình triển khai.

Đại diện các sở, ngành đã nêu những bất cập trong Bộ chỉ số đo lường của Đề án. Công an thành phố cho rằng, trên thực tế luôn ghi nhận sự “chênh lệch” rất lớn về con số thống kê tai nạn giao thông giữa số liệu báo cáo của Công an và Sở Y tế.

Điều này xuất phát từ sự khác nhau về nghiệp vụ, cách thống kê… Do đó, cần phải có phương pháp xây dựng chỉ số đo lường chung cho hai ngành, hoặc nêu rõ cơ sở thống kê, nhằm giúp người sử dụng khai thác hiệu quả nhất số liệu được công bố.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo nêu bất cập: Hiện nay, theo quy định của nhà nước, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý từ cấp học Trung học Phổ thông trở xuống, các loại hình đào tao nghề trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, do đó một số chỉ số đánh giá của ngành Giáo dục cần có sự tham gia của cả hai sở, thay vì chỉ riêng Sở Giáo dục và Đào tạo như hiện nay.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Hoàng Trung đề nghị phía VNPT tiếp thu các góp ý của các sở, ngành để hoàn thiện Đề án. Cuối tháng 3/2019 phải trình Đề án hoàn thiện.

Các sở, ngành cần nhanh chóng xây dựng Bộ chỉ số đo lường cho riêng ngành mình, cũng như cử cán bộ có chuyên môn sâu tham gia Ban Đề án; trên cơ sở đó, đẩy nhanh tiến độ Đề án, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục