Người dân từ Tp. Hồ Chí Minh muốn về quê, cần liên hệ ai?

16:51' - 02/08/2021
BNEWS Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, không ít người dân các tỉnh, thành đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM có mong muốn trở về quê. Nhưng làm sao để về đang là băn khoăn của nhiều người.

Theo thông tin trên Báo điện tử Chính phủ, UBND TP.HCM đã giao cho Sở GTVT là đầu mối tiếp nhận và hướng dẫn cho các địa phương, tổ chức, cá nhân đưa người dân đang lưu trú tại TP.HCM về quê trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các cá nhân đang lưu trú tại TP.HCM và muốn về quê cần đăng ký với các xã, phường, thị trấn nơi lưu trú hoặc thông qua các đoàn thể như hội đồng hương tỉnh, thành phố đó tại TP.HCM để được hướng dẫn, tránh tình trạng tự đi về và bị buộc quay đầu trở lại.
Đối với đơn vị, tổ chức có nhu cầu đưa người dân về quê cần thực hiện các bước sau:
- Lập danh sách những người có nguyện vọng về quê, thông tin như trên Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, nơi đang lưu trú tại TP.HCM.
- Gửi công văn đề nghị cùng danh sách trên về UBND tỉnh, thành phố nơi đến để có xác nhận chấp thuận của địa phương (việc này liên quan đến tổ chức cơ sở cách ly, báo cho các xã phường theo dõi giám sát phòng dịch…)
- Sau khi được địa phương chấp thuận, gửi đề nghị cùng danh sách trên về Sở GTVT TP.HCM và các cơ quan, địa phương có liên quan thuộc TP.HCM biết và phối hợp khi triển khai thực hiện.
- Thông báo cho người dân trong danh sách để họ chủ động báo cho UBND địa phương nơi đang cư trú về việc rời khỏi nơi cư trú để được hướng dẫn thủ tục cần thiết theo quy định.
- Tuân thủ vận chuyển đúng thời gian, đúng người, đúng số lượng như danh sách đã trình các cơ quan chức năng (đối chiếu giấy tờ tuỳ thân của từng người).
- Tuân thủ vận chuyển đảm bảo an toàn phòng dịch, không quá 50% sức chứa, tất cả người trên xe phải khai báo y tế và đeo khẩu trang, không sử dụng hệ thống điều hoà và bắt buộc phải mở cửa kính xe trong quá trình phục vụ.
- Phương tiện vận chuyển có trang bị nước sát khuẩn và thực hiện việc khử khuẩn phương tiện hàng ngày. Từ chối vận chuyển hành khách không chấp hành theo quy định.
- Cung cấp số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để thuận tiện trong thông tin liên lạc và công tác tổ chức.
- Báo cáo cho UBND TP.HCM, UBND tỉnh, thành nơi đến và các cơ quan, địa phương có liên quan về tình hình và kết quả vận chuyển.
Thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19 tại TP.HCM của các địa phương:
* Quảng Bình
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con gặp khó khăn tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ.
Đồng thời, ngườ dân Quảng Bình ai gặp khó khăn, cần trợ giúp hãy liên hệ với Hội đồng hương Quảng Bình tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc qua gia đình để thông báo chính quyền cấp xã ở địa phương; đặc biệt tỉnh cũng cung cấp đường dây nóng hỗ trợ công dân Quảng Bình qua số điện thoại 18008073.
* Bến Tre
Theo UBND tỉnh Bến Tre, trong đợt 1 (từ 30/7-1/8), địa phương tổ chức gần 40 xe của Công ty Phương Trang xuất phát từ Bến xe Miền Tây (TP.HCM), đưa khoảng 900 công dân về các huyện và TP. Bến Tre. Trước khi lên xe về quê, các công dân được test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2. Theo dự kiến, có khoảng 2.500 công dân Bến Tre đang làm ăn, sinh sống, TP.HCM có nguyện vọng về quê “tránh dịch COVID-19”.
Để giúp các công dân giảm bớt khó khăn, công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Bến Tre trích từ nguồn kinh phí kinh doanh hỗ trợ cho mỗi công dân khi về quê là 200.000 đồng. Hiện Ban liên lạc đồng hương Bến Tre tại TP.HCM đã lập danh sách người có nguyện vọng về quê; các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng lập danh sách tiếp nhận, để phân bổ số lượng về đúng với địa chỉ đăng ký.
Việc tổ chức đón công dân Bến Tre về từ TP.HCM sẽ chia ra làm từng đợt, không ồ ạt, đảm bảo đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 để không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của TP.HCM và tỉnh Bến Tre.

[Sẽ điều chuyển vaccine COVID-19 nếu địa phương, đơn vị tiêm chậm]

*Hậu Giang
Hậu Giang cũng có kế hoạch đón từ 400-600 người dân từ TP.HCM về địa phương. Theo kế hoạch, người dân tỉnh Hậu Giang đang học tập, lao động tại TP.HCM, không thuộc đối tượng F0, gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19; có nguyện vọng trở về địa phương, gồm các nhóm sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sau:
-Nhóm 1: Người già, trẻ em; Phụ nữ mang thai; Phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; Người khuyết tật; Người đi khám, chữa bệnh, người thăm thân nhân, đi công tác chưa trở về được; Lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Lao động là thân nhân của người có công với cách mạng; Lao động đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng; Học sinh, sinh viên.
-Nhóm 2: Lao động tự do; Người lao động bị mất việc làm.
-Nhóm 3: Các đối tượng khác.
Người dân có nguyện vọng trở về Hậu Giang phải đảm bảo ba điều kiện sau: Thực hiện đăng ký theo mẫu hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang; Được sự thống nhất của cơ quan chức năng tại TP.HCM - nơi công dân tỉnh Hậu Giang đang cư trú;  Phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-COV-2 trong vòng 72 giờ.
Việc tổ chức đưa người dân về sẽ được tỉnh Hậu Giang thực hiện theo từng đợt. Trước mắt sẽ tổ chức 2 đợt trong nửa đầu tháng 8/2021. Đợt 1, dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 3-4/8, tổ chức đón các người thuộc đối tượng ưu tiên nhóm 1 về tỉnh, với số lượng tiếp nhận khoảng từ 200-300 người. Đợt 2, dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 11-12/8, tổ chức đón các người thuộc đối tượng nhóm 2 và nhóm 3 về tỉnh, với số lượng tiếp nhận khoảng 200-300 người.
Sau khi về đến tỉnh, những người này sẽ được đưa về khu cách ly tập trung tại Trường Đại học Cần Thơ (khu Hòa An) ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp.

* Cần Thơ
UBND thành phố Cần Thơ có công văn gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức đưa người dân Cần Thơ về quê. Cần Thơ dự kiến đón khoảng 1.000 người (400 người từ Thành phố Hồ Chí Minh và 600 người từ tỉnh Bình Dương) về các khu cách ly tập trung.
Theo đó, UBND thành phố Cần Thơ đề nghị, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ phân công cơ quan đầu mối lập danh sách công dân là người Cần Thơ có nhu cầu về quê; tạo điều kiện xét nghiệm cho các công dân nêu trên trước khi trở về...
Cần Thơ sẽ bố trí xe đến điểm tập kết do UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bình Dương chỉ định để đón người dân và đưa về các khu cách ly tập trung tại thành phố.
Thành phố Cần Thơ có 39 khu cách ly tập trung với sức chứa khoảng 5.000 giường. Đến nay, thành phố đã kích hoạt 31 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở cách ly tại khách sạn do người cách ly tự nguyện chi trả. Các quận, huyện đang rà soát để nâng công suất cách ly lên 500 giường/huyện và 1.000 giường/quận.
* Hà Nam
Tỉnh ủy Hà Nam thống nhất quan điểm là tiếp nhận công dân Hà Nam đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng trở về quê, các lao động mất việc làm dài ngày, có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị mắc kẹt do đi công tác, học tập, thăm thân… với số lượng từ 700 đến 1.000 người.
Các công dân cần phải có đơn được Hội đồng hương Hà Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp, thẩm định và được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt; có thông tin đầy đủ về người thân, địa điểm về; có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; phương tiện di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nam bằng tàu hỏa. Tỉnh sẽ hỗ trợ các công dân vé tàu và kinh phí xét nghiệm. Về phương án cách ly giao cho các huyện, thị xã, thành phố chủ động phương án cách ly tập trung hoặc tại nhà, nhưng phải bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch.
Theo thống kê của Hội đồng hương Hà Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 1.000 công dân của tỉnh có nguyện vọng được trở về địa phương.
* Cà Mau
Qua thống kê chưa đầy đủ, Cà Mau hiện có khoảng 230.000 người dân đang học tập, sinh sống và làm việc tại các tỉnh khác. Hiện số bà con còn kẹt ở lại ở các tỉnh cũng rất lớn. Trong đó, số lượng bà con mong muốn về quê là khoảng vài chục ngàn người, đa số ở các tỉnh có diễn biến dịch phức tạp.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau chủ trương thông qua Ban Liên lạc Hội đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát đối tượng thực sự khó khăn để tìm các nguồn hỗ trợ bà con. 
Trước đó, sáng 27/7, những chuyến xe miễn phí đi xuyên đêm đã đưa 400 công dân Phú Yên đang sinh sống, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh về đến thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Đây là những công dân được tỉnh đưa về đợt đầu tiên trong số gần 4.000 công dân Phú Yên từ vùng dịch có nguyện vọng được trở về tỉnh.
Trước đó, tại Bến xe miền Đông Thành phố Hồ Chí Minh các công dân Phú Yên đã được test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính, được trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang, sát khuẩn. Tỉnh Phú Yên tổ chức đón các công dân trở về tỉnh ở hai địa điểm Nhà thi đấu Lê Trung Kiên và Nhà Văn hóa Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên. Tại đây, các công dân tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm PCR nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tiếp tục đưa về cách ly tại nhà.
400 công dân Phú Yên được đón về quê trong đợt này là người già yếu, tàn tật; trẻ em; phụ nữ mang thai, người đang nuôi con nhỏ; người đi khám chữa bệnh; lao động tự do mất việc, không có chỗ ở; sinh viên, học sinh.
Trong những ngày tới, tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục đón công dân trở về từ vùng dịch bằng các phương tiện máy bay, tàu lửa và xe ô tô.
Sáng 21/7, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đưa 10 xe ô tô đi đón người dân Quảng Nam có hoàn cảnh khó khăn đang ở TP Hồ Chí Minh về quê. Được biết, đợt này Quảng Nam dự tính sẽ đón khoảng 300 - 400 người dân.
Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Ngãi cũng đưa 400 người dân đang khó khăn tại TP Hồ Chí Minh về quê, tỉnh Bình Định thuê 4 chuyến bay đón 1.000 người dân từ TP Hồ Chí Minh về quê.../. 

Tính đến 6 giờ ngày 2/8/2021, có 97.076 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố (bao gồm 1.997 ca đã được công bố vào lúc 6 giờ ngày 2/8), trong đó: 94.758 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 321 trường hợp nhập cảnh.
Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chiến dịch tiêm đợt 5 với 930.000 liều vaccine ngừa COVID-19 bao gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna thời gian dự kiến sẽ tiêm trong vòng 2 tuần theo các đối tượng ưu tiên theo kế hoạch do UBND Thành phố ban hành. Chiến dịch sẽ được đẩy nhanh tiến độ bên cạnh việc giữ an toàn trong tiêm chủng và phòng chống COVID-19.

>>Siết chặt giãn cách, số ca mắc COVID-19 ở Tp. Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu dừng lại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục