Người dân vẫn còn chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

13:32' - 09/08/2016
BNEWS Ngoài thời tiết, một nguyên nhân khác khiến bệnh sốt xuất huyết lan rộng ở Kon Tum là sự chủ quan của người dân và chính quyền nơi đây.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Đăk Tô là một trong 2 huyện trọng điểm của bệnh sốt xuất huyết trong tỉnh Kon Tum (cùng huyện Đăk Hà). Đây cũng là địa phương có bệnh sốt xuất huyết xảy ra đầu tiên trong tỉnh. Tuy nhiên, ngoài lý do về thời tiết, bệnh sốt xuất huyết lan rộng có phần “đóng góp” không nhỏ từ sự chủ quan của người dân và chính quyền nơi đây. 

Tháng 3/2016, bệnh sốt xuất huyết bắt dầu bùng phát tại thôn 8 xã Diên Bình, huyện Đăk Tô. Khi kiểm tra vùng xảy ra bệnh, cán bộ y tế phát hiện các ổ bệnh tập trung nhiều tại khu dân cư. Cụ thể, các hộ dân đều có các thùng chứa nước, ngâm chén cạo mủ cao su với nhiều lăng quăng, bọ gậy. Đây là thói quen trong sản xuất, khi kết thúc mùa cạo mủ cao su, người dân ngâm các chén mủ trong thùng nước, đợi đến mùa cạo mủ sau. “Mỗi một thùng nước này đủ tạo thành một ổ dịch cho cả vùng”, ông Nguyễn Lộc Vương - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Kon Tum thừa nhận. 

Khi triển khai phòng bệnh sốt xuất huyết, các cán bộ ngành y tế phát hiện sự chủ quan, lơ là, ỷ lại từ chính người dân trong vùng bệnh ở huyện Đăk Tô. Tại thôn 1 xã Tân Cảnh, dọc tuyến đường vào nhà máy mỳ, hầu hết các dụng cụ có thể chứa nước đều trở thành môi trường lý tưởng cho nguồn bệnh. Từ săm lốp ô tô, đến các bãi cỏ, vùng lầy, bất kỳ chỗ nào chứa nước đều có lăng quăng, bọ gậy.

Cá biệt, một số gia đình có người nhà đang điều trị tại bệnh viện, song trong nhà các dụng cụ chứa nước vẫn đầy lăng quăng, bọ gậy mà chủ nhà không thực hiện việc đổ nước, vệ sinh môi trường. Ngoài ra, người dân thường đi cạo mủ cao su từ 2-3 giờ hàng ngày - thời điểm ở vườn cao su rất nhiều muỗi nhưng bà con lại chủ quan, không phòng bệnh. Bên cạnh đó, tập quán ở rẫy cả ngày, cả tuần, khiến nguy cơ bị muỗi đốt rất cao. 

Sau khi bệnh sốt xuất huyết xảy ra, chính quyền huyện Đăk Tô đã vào cuộc khá quyết liệt. Huyện thành lập các tổ xung kích, tham gia tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh, phá bỏ, ngăn chặn môi trường sống của lăng quăng, bọ gây. Tuy nhiên, theo một thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, ngay tại thị trấn Đăk Tô, cuộc họp diễn ra vào buổi sáng được người dân ủng hộ nhưng đến chiều triển khai, chỉ thấy cán bộ y tế tham gia.

“Qua kiểm tra, nắm tình hình cho thấy chính quyền thị trấn, dân vào cuộc chưa quyết liệt, gần như việc phòng dịch khoán cho cán bộ y tế địa bàn. Đội xung kích khi tuyên truyền đạt hiệu quả không cao. Nhận thức của người dân chưa cao có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền.

Một số hộ dân đã ý thức trong phòng dịch, nhưng vẫn còn một số người ỷ lại trong việc diệt lăng quăng, bọ gậy, cứ nghĩ phòng sốt xuất huyết là phải diệt muỗi. Khi cán bộ vào phun thuốc, một số hộ dân không hợp tác, đóng cửa nhà. Khi đội xung kích đi, tình hình vẫn như ban đầu”, ông Sa Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô bức xúc cho biết. 

Đến nay, tỉnh Kon Tum ghi nhận có gần 1.600 người bị bệnh sốt xuất huyết. Bệnh đã lan ra 9/10 huyện, thành phố trong tỉnh và đã có một người tử vong vì sốt xuất huyết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục