Người già dư dả tài chính – “vũ khí” bí mật của kinh tế Mỹ
Tại sao chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ vẫn ổn định trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất? Một lý do quan trọng nhưng ít được đề cập đến đó là người tiêu dùng Mỹ ngày một già đi.
Theo số liệu cập nhật của Cục Thống kê Dân số Mỹ (Cencus Bureau), tính đến thời điểm tháng 8/2023, số người trên 65 tuổi chiếm 17,7% dân số nước này, mức cao nhất kể từ năm 1920 và tăng mạnh so với mức 13% của năm 2010. Người già không chỉ tăng nhanh, họ còn là nhóm đối tượng có nền tảng tài chính khá ổn định, ít phải vay mượn để trang trải các khoản chi tiêu như mua nhà, cũng là nhóm ít nguy cơ bị sa thải công việc so với những người tiêu dùng khác.Thực tế này khiến người cao tuổi ở Mỹ trở thành động lực chi tiêu đáng được thừa nhận. Khảo sát do Bộ Lao động Mỹ tiến hành và công bố tháng 9/2023 cho thấy người Mỹ trên 65 tuổi đóng góp 22% vào tổng chi tiêu năm 2022, tỷ lệ cao nhất kể từ khi cơ quan chức năng bắt đầu thực hiện thống kê dạng này, và tăng so với mức 15% của năm 2010.“Họ chính là người tiêu dùng có ảnh hưởng trong những năm tới. Thị phần chi tiêu lớn hơn từ người tiêu dùng cao tuổi tạo ra nền tảng tiêu dùng ở những thời điểm như hiện nay, khi tăng trưởng việc làm thấp, lãi suất tăng, còn các khoản trả lãi vay sinh viên bắt đầu được khôi phục”, Nhà kinh tế trưởng Susan Sterne của tổ chức Economic Analysis Associates nhận định.Mức chi tiêu cao của người lớn tuổi phản ánh tình trạng sức khỏe, tài chính và có thể là cả những hiệu ứng tâm lý dai dẳng từ thời đại dịch. Ông Maureen Green, 66 tuổi, sống tại Cape Cod, bang Massachusett, bày tỏ: “Cả đời tôi luôn tiết kiệm khoản này, khoản kia. Giờ thì có tiền gửi trong ngân hàng và tôi chi tiêu theo cách đưa bản thân xích lại gần hơn với bạn bè, gia đình hơn so với trước đây”.Bà Green, chuyên viên môi giới bất động sản và có bốn người con sống ở nhiều nơi trên đất Mỹ, ước tính các khoản chi tiêu tăng 25%, còn thời gian hưởng thụ du lịch tăng gấp đôi so với năm 2019. Bà mới tới thăm vùng Syracuse ở New York để gặp gỡ bạn bè, dự triển lãm ảnh, rồi tới thăm bang Rhode Island cùng với con trai và một người bạn nữ. Bà nói: “Có khoảng 1 triệu người Mỹ thiệt mạng trong thời COVID-19 và đó là một phần lý do. Thảm kịch làm tôi ngộ ra rằng không được phép để lãng phí thời gian, trước khi tôi biết rằng chẳng còn nhiều thời gian cho mình nữa”.
Tuổi thọ cao hơn, mức sống tốt hơn và số lượng đông đảo hơn
Theo chuyên gia Marshal Cohen, cố vấn trưởng về bán lẻ tại Circana - một công ty chuyên nghiên cứu về hành vi tiêu dùng, lối sống của người cao tuổi đã có nhiều thay đổi. Họ là những người năng động hơn bao giờ hết. Chính điều này đã khiến “thực đơn” ngành du lịch, giải trí mở rộng hơn để đón đầu nhu cầu. “Người già giờ đạp xe, leo núi, đi du lịch và họ hưởng thụ những hoạt động đó với quỹ thời gian dài hơn so với trước”, cố vấn Marshal Cohen nói.
Dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy chi tiêu hộ gia đình có người già trên 65 tuổi đứng đầu với mức tăng 2,7% trong năm 2022 so với năm 2021 – mức tăng đã có điều chỉnh theo lạm phát. Trong đó, các hộ gia đình có người dưới 65 tuổi chỉ tăng 0,7%. Chi tiêu hộ gia đình người già hiện tăng 34,5% so với năm 1982, trong khi hộ gia đình trẻ chỉ ghi nhận mức tăng 16,5% trong cùng thời gian.Chưa có số liệu cập nhật của cả năm 2023 nhưng theo khảo sát do Fed tiến hành, người tiêu dùng trên 60 tuổi có mức tăng chi tiêu 7,9% tại thời điểm tháng 8/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng chi tiêu này với nhóm người trong độ tuổi 40-60 tuổi là 5,1% và người tiêu dùng trẻ tuổi chỉ là 4,6%. Đây là số liệu chưa điều chỉnh theo lạm phát.Gia tăng chi tiêu ở người tiêu dùng cao tuổi xuất phát từ số lượng người thuộc nhóm này cao. Những người này sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh tại Mỹ (Baby Boomer, từ năm 1946-1964), với người trẻ nhất hiện cũng đã sang tuổi 59 và nghỉ hưu ồ ạt.American Cruise Lines, công ty chuyên kinh doanh loại hình du lịch du thuyền với khách hàng là người tiêu dùng cao tuổi, cho biết năm nay họ ghi nhận mức tăng doanh số hai chữ số. Hãng có trụ sở tại Guilford, bang Connecticut này trong năm nay đã bổ sung thêm ba du thuyền mới vào đội tàu và kéo dài thời hạn mùa du lịch thêm một tháng đối với một số cung đường phổ biến.Chuyên gia Charles B. Robertson, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của American Cruise Lines, chia sẻ: “Du thuyền đường sông có truyền thống thu hút nhóm khách hàng cao tuổi. Và khi số người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh về hưu mỗi năm, chúng tôi ghi nhận mức tăng trưởng cao cùng với nhu cầu được trải nghiệm khám phá dài ngày hơn”.
“Viên đạn bạc” đối với nền kinh tế
Một lý do khác ảnh hưởng đến chi tiêu của người già, đó là họ có nền tảng tài chính vững. Người trên 70 tuổi tại Mỹ hiện nắm giữ 26% tài sản hộ gia đình, mức cao nhất kể từ năm 1989, theo thống kê của Fed.
Nhiều nhà kinh tế vẫn coi kinh tế Mỹ có nguy cơ cao sẽ rơi vào suy thoái trong vài năm tới. Nhưng ông Ed Yardeni, Chủ tịch kiêm chiến lược gia trưởng về đầu tư tại hãng tư vấn Yardeni Research, không thuộc số này. Chủ tịch Yardeni viện dẫn chính số liệu của Fed, cho rằng những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh hiện tích tụ lượng tài sản trị giá 77.100 tỷ USD.Số này cũng mắc nợ ít hơn, nợ vay thời sinh viên ở mức tối thiểu và có thiên hướng sở hữu nhà, căn hộ riêng. Nhiều người đã kịp tái cấu trúc các khoản vay mua nhà với mức lãi suất thấp kỷ lục sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Họ cũng ít có nhu cầu di chuyển do gia đình nhiều thế hệ, ít chuyển việc như thế hệ Gen Z hay thế hệ thiên niên kỷ (Millennials), vì thế tránh được tác động từ chi phí nhà ở leo thang. Người nghỉ hưu cũng nhận được khoản chi trả tăng 8,7% từ Quỹ an sinh xã hội vào tháng Một vừa qua, mức tăng theo năm lớn nhất kể từ năm 1981.Những yếu tố này giúp người cao tuổi tránh khỏi “rắc rối kép” về lạm phát cao và lãi suất tăng. Hầu hết đều nghỉ hưu nên chi tiêu của người tiêu dùng cao tuổi “ít bị tổn thương” hơn trước tình trạng thất nghiệp gia tăng mà nhiều nhà kinh tế dự đoán trong những quý tới.Ông Todd Bezold, Giám đốc marketing Lễ hội mùa Hè Cincinnati Opera, cho biết năm nay ghi nhận nhu cầu tăng bất ngờ và chủ yếu từ nhóm khách hàng lớn tuổi. “Bất chấp số lượng đăng ký thưởng thức các loại hình nghệ thuật có xu hướng giảm trong các năm qua, chúng tôi vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 3% trong năm nay. Nhu cầu tăng vọt đó diễn ra dù cho giá vé tăng mạnh. Phần lớn người đăng ký mua vé là những người thuộc thế hệ Baby Boomer”, ông Bezold cho biết./.Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Vàng sẽ tìm lại đỉnh cao?
15:26'
Giới phân tích dự đoán giá vàng sẽ phục hồi vào năm tới, do vàng vẫn giữ được sức hấp dẫn như một tài sản trú ẩn an toàn.
-
Phân tích - Dự báo
“Đế chế” Donald Trump 2.0 và những ảnh hưởng - Bài cuối: Tương lai thương mại toàn cầu
06:30'
Nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump có thể ủng hộ lập trường thương mại "Nước Mỹ trên hết", do đó một số quốc gia sẽ phải đối mặt với một hành động cân bằng phức tạp.
-
Phân tích - Dự báo
“Đế chế” Donald Trump 2.0 và những ảnh hưởng - Bài 2: Viễn cảnh u ám tại châu Âu
05:30'
Chính sách của ông Trump đã được người kế nhiệm là ông Joe Biden tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, lần này, quy mô của những gì ông dự định làm có thể sẽ lớn chưa từng có.
-
Phân tích - Dự báo
"Đế chế” Donald Trump 2.0 và những ảnh hưởng - Bài 1: Đông Nam Á vượt qua thế nào?
06:30' - 24/11/2024
Chênh lệch lớn về thuế suất sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho "kỹ thuật áp thuế", nghĩa là sắp xếp lại chuỗi cung ứng với mục đích duy nhất là đủ điều kiện để được hưởng mức thuế suất thấp hơn.
-
Phân tích - Dự báo
Lý do Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Nam Mỹ
05:30' - 24/11/2024
Theo tạp chí La Tribune, việc Chủ tịch Trung Quốc khánh thành một siêu cảng ở Chancay, miền Bắc Peru, cho thấy chính sách tăng cường đầu tư của Bắc Kinh vào khu vực Nam Mỹ.
-
Phân tích - Dự báo
Yếu tố quyết định sự phục hồi kinh tế Thái Lan
06:30' - 23/11/2024
Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có thể đối mặt với rủi ro suy giảm nếu Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump theo đuổi các chính sách thương mại quyết liệt mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
-
Phân tích - Dự báo
"Chảy máu” vốn vì cơn sốt tiền điện tử và cổ phiếu Mỹ
05:30' - 23/11/2024
Thị trường tiền điện tử ở Hàn Quốc đã nổi lên như một kênh đầu tư thay thế hấp dẫn so với các sàn giao dịch chứng khoán nội địa đang đi xuống.
-
Phân tích - Dự báo
Hy vọng mới cho lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc
06:30' - 22/11/2024
Tại Trung Quốc, trong khi người dân tại các đô thị lớn đang phải “thắt lưng buộc bụng” do triển vọng kinh tế không chắc chắn, một câu chuyện lạc quan hơn đang diễn ra ở các thành phố cấp 3 và cấp 4.
-
Phân tích - Dự báo
Mỹ Latinh và bài toán tận dụng tối ưu nguồn vốn FDI
05:30' - 22/11/2024
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có ý nghĩa to lớn đối với các nước Mỹ Latinh trong việc hoạch định các chính sách kinh tế và chiến lược hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.