Người lao động mong sớm được thụ hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà

11:01' - 05/04/2022
BNEWS Khi biết tin Chính phủ quyết định hỗ trợ trực tiếp tiền thuê nhà, nhiều người lao động tỏ ra phấn khởi vì phần nào giảm nhẹ được nỗi lo cơm áo.

Hai năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, xã hội. Do e sợ dịch bệnh, lo ngại không có việc làm, thu nhập bấp bênh, không đảm bảo cuộc sống..., hàng triệu lao động đã rời các tỉnh thành phố trọng điểm kinh tế, gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước. Tuy nhiên, khi biết tin Chính phủ quyết định hỗ trợ trực tiếp tiền thuê nhà, nhiều người lao động tỏ ra phấn khởi vì phần nào giảm nhẹ được nỗi lo cơm áo.

* Mong chờ khoản hỗ trợ trực tiếp

Tan ca, chị Kiều Phong Linh (quê ở Kinh Môn, Hải Dương), một công nhân ở Khu Công nghiệp Sài Đồng, Hà Nội vội vã tạt vào chợ để mua thức ăn. Trả giá từng đồng cho vài lạng thịt lợn, mớ tép và bó rau, chị Linh nói: "Phải chắt chiu từng đồng vì nửa tháng nữa vợ chồng tôi mới có lương".

Nhà trọ của gia đình chị Linh ở phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội, cách nơi làm việc khoảng hơn 10 phút đi xe máy. Căn phòng 16m2, giá thuê 3 triệu đồng/tháng. Ở phường có hơn 10.000 công nhân làm việc trong Khu Công nghiệp Sài Đồng như chị Linh, những gia đình "tối ngày" lo cơm áo là khá nhiều. Đối diện với muôn vàn nỗi lo nhưng họ sợ nhất là ốm đau. "Tháng trước tôi gần như nghỉ việc hoàn toàn do mắc COVID-19. Lần lượt chồng tôi, con tôi và bản thân tôi đều là F0. Nghỉ việc ở nhà để cách ly điều trị nên thu nhập giảm sâu, lại đủ thứ chi tiêu tốn kém", chị Linh cho hay.

Anh Lê Thanh Hải, công nhân ở Khu Công nghiệp Đài Tư (Long Biên) thuê nhà trọ ở Phúc Đồng, Long Biên cũng ám ảnh nỗi lo đổ bệnh khi vợ chồng anh vừa phải nghỉ việc hơn một tuần để tự điều trị do mắc COVID-19. Nghỉ làm, bớt thu nhập lại chi tiêu nhiều khoản nên tháng này, họ phải tằn tiện từng đồng. Khi được hỏi về khoản hỗ trợ tiền thuê nhà đối với công nhân khu công nghiệp theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chị Kiều Phong Linh, anh Lê Thanh Hải đều cho hay, họ mới biết và đã lên mạng tìm hiểu thông tin thì thấy mình thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách này: Đang ở thuê, ở trọ; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

"Được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà lúc này thì tốt quá! Dù 500.000 đồng chỉ được một phần tư tiền thuê nhà hàng tháng, nhưng với chúng tôi lúc này, số tiền đó là đáng quý", anh Lê Thanh Hải nói.

Chị Kiều Phong Linh cũng phấn khởi cho hay, hai vợ chồng được hỗ trợ một khoản tiền thuê nhà sẽ góp phần giúp gia đình chị bớt được một phần chi phí sinh hoạt trong cuộc sống. "Trong lúc khó khăn như thế này, mọi thứ đều tăng giá, có thêm được đồng nào là hay đồng đó. Chỉ mong các thủ tục đỡ rườm rà để chúng tôi sớm nhận được tiền hỗ trợ", chị Kiều Phong Linh bày tỏ.

* Nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục

Về gói hỗ trợ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, theo ước tính ban đầu, khoảng 3,4 triệu lao động sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Hai nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng) và 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).

Thời gian thực hiện các thủ tục chi trả sẽ kéo dài 11 ngày gồm: Doanh nghiệp tổng hợp và niêm yết danh sách công khai ít nhất 3 ngày; cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách trong 2 ngày; thời gian từ lúc Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày; doanh nghiệp chi trả cho người lao động trong 2 ngày kể từ khi nhận được kinh phí hỗ trợ.

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đối tượng đang làm việc và đối tượng quay trở lại làm việc nhận các mức khác nhau. Trong đó, người lao động quay trở lại làm việc có mức hỗ trợ cao hơn để khuyến khích đi làm. Phương thức hỗ trợ là nhận tiền hằng tháng để tránh việc nhận liền 3 tháng rồi nghỉ việc.

"Quá trình xây dựng chính sách điều chúng tôi trăn trở nhất là làm sao thực hiện gói hỗ trợ với thủ tục nhanh gọn nhất, nhưng cần chính xác, tránh trục lợi. Người lao động hưởng chính sách phải tự làm đơn, tự chịu trách nhiệm với thông tin kê khai, doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng sẽ phải có xác nhận.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ phối hợp để rà soát thông qua cơ sở dữ liệu dân cư đảm bảo tránh trùng lặp một người hưởng chính sách nhiều lần. Với chính sách này, thay vì hỗ trợ trọn gói 1 lần sau 3 tháng, người lao động sẽ được hỗ trợ hàng tháng, tránh việc người lao động chuyển việc từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, được hưởng hỗ trợ nhiều lần. Bộ cố gắng thực hiện thủ tục đơn giản và chính xác nhất", ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.

* Không để trục lợi chính sách

Liên quan đến gói hỗ trợ này, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang nắm rất chắc hệ thống Công đoàn cơ sở, thường xuyên nắm bắt tình hình nhà trọ của công nhân. Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn cơ sở nắm bắt tình hình thuê nhà, thuê trọ của người lao động ở đâu, địa chỉ chỗ nào và phối hợp cùng với chủ sử dụng lao động để có những đề xuất, kiến nghị lập danh sách hỗ trợ sớm nhất.

"Bản thân người lao động phải thực hiện nhanh xác nhận của chủ cho thuê trọ, của địa phương. Trên cơ sở xác nhận này thì Công đoàn cơ sở sẽ phối hợp với chủ doanh nghiệp để sớm lập hồ sơ, danh sách người lao động được hưởng hỗ trợ. Sau đó chuyển tới UBND cấp huyện, cấp tỉnh để quyết định hỗ trợ", ông Phan Văn Anh nói.

Đối với việc triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xác nhận cho người lao động hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà. Ngành sẽ tập trung nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận và xác nhận sớm nhất việc tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngành bảo hiểm tuyệt đối không để phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định; không để hồ sơ quá hạn, trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần.

Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), cũng nhấn mạnh: Các địa phương tổ chức thực hiện, đối chiếu dữ liệu đối tượng thụ hưởng chính sách với dữ liệu công dân để tránh việc trục lợi chính sách qua hưởng lợi nhiều nơi, nhiều lần. Để đảm bảo chi đúng đối tượng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công an, UBND các tỉnh thành… sẽ có những phối hợp để đảm bảo chính sách nhanh nhất, thuận tiện nhất cho người lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục