Nguồn cung vượt cầu, ngành xi măng trước áp lực cạnh tranh lớn

18:12' - 07/01/2023
BNEWS Năm 2023, thị trường xi măng trong nước dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của COVID-19.

Năm 2022, đối diện với nhiều thử thách chung từ bối cảnh quốc tế và trong nước, nhưng Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã chủ động nhiều giải pháp để "vượt khó", đưa các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh về sát kế hoạch đặt ra. Đây là thông tin ghi nhận tại hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của VICEM diễn ra ngày 7/1.

Theo đó, sản lượng sản xuất clinker đạt 20,65 triệu tấn, bằng 95,1% kế hoạch năm 2022 và giảm 3,8% so với năm 2021. Năng suất trung bình lò nung toàn hệ thống VICEM thực hiện là 63.737 tấn/ngày, thấp hơn so với kế hoạch năm 2022 là 64.757 tấn/ngày. Thời gian hoạt động lò nung trung bình toàn VICEM thực hiện năm 2022 là 324 ngày/dây chuyền.

 

Sản lượng sản xuất xi măng năm 2022 đạt 24,56 triệu tấn, tương đương 94,8% kế hoạch năm và tăng 1,7% so với năm 2021. Tuy sản lượng sản xuất chưa bằng mức kế hoạch đặt ra nhưng vẫn tăng so với năm 2021.

Tổng sản phẩm tiêu thụ của VICEM đạt 27,46 triệu tấn, đạt 93,2% kế hoạch năm 2022 và giảm 6,7% so với năm 2021; trong đó, tiêu thụ xi măng trong nước đạt 21,34 triệu tấn, vẫn tăng 5,6% so với năm trước và tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 2,88 triệu tấn.

Mặc dù tổng doanh thu năm 2022 của VICEM đạt khoảng 39.453 tỷ đồng, chỉ bằng đạt 95,5% kế hoạch đề ra nhưng vẫn tăng 16,6% so với năm 2021... Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh chia sẻ, có một số nguyên nhân chủ yếu tác động đến tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của VICEM được xây dựng trên cơ sở kỳ vọng dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới; tình hình nguồn cung và giá cả nguyên, nhiên vật liệu các tháng cuối năm 2022 ổn định, các dự án bất động sản sẽ khởi sắc, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, những khó khăn xuất phát từ xung đột Nga - Ukraine và thực tế thị trường diễn biến rất phức tạp, khó đoán định đã tác động rất tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành xi măng nói chung và VICEM nói riêng - Tổng giám đốc Lê Nam Khánh phân tích.

Nguồn cung than cho sản xuất xi măng thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và tăng giá đột biến. Các lò nung của VICEM được thiết kế với nguồn than sử dụng là loại có nhiệt trị cao (tương đương cám 3 có nhiệt trị trên 7.000 Kcal/kg Clinker). Nhưng thực tế, do thiếu nguồn than có nhiệt trị cao nên phải sử dụng các nguồn than có nhiệt trị thấp (cám 4, cám 5, thậm chí có loại than chỉ có nhiệt trị khoảng 3.200 Kcal/kg Clinker) dẫn đến dính, bết, tắc, giảm năng suất, tăng định mức tiêu hao. Riêng giá than tăng cao đã làm chi phí than trong giá thành sản xuất xi măng của VICEM năm 2022 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Do đó, VICEM đã phải rà soát, điều chỉnh tăng giá bán xi măng phù hợp, bù đắp chi phí tăng do tăng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường không thuận lợi do nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu đều giảm, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt, giá xuất khẩu xi măng, clinker không tăng... thì các đơn vị thành viên VICEM phải bổ sung chiết khấu, khuyến mại để giữ vững sản lượng và thị phần.

Mức tăng giá thu về cũng chưa đủ bù đắp được ảnh hưởng của việc tăng chi phí đầu vào, làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của các đơn vị thành viên VICEM.

Cùng đó, sự biến động bất thường của nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2022, đặc biệt giảm sâu vào quý IV - mùa tiêu thụ xi măng chủ yếu hàng năm đã tác động rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh và gây nhiều khó khăn trong điều hành của VICEM.

Theo Tổng giám đốc Lê Nam Khánh, mặc dù, đã chủ động xây dựng trước các kịch bản điều hành như dừng lò nung dài ngày để thực hiện sửa chữa lớn và tiếp tục dừng lò sau sửa chữa hoặc phải vận hành giảm năng suất để hạn chế đổ clinker ra bãi, song có lúc vẫn còn lúng túng do biến động quá lớn...

Năm 2023, thị trường xi măng trong nước dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của COVID-19; các công trình, dự án cũng chậm triển khai thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng do nhà nước tiếp tục duy trì siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản. Trong khi đó, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt cao so với nhu cầu dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các đơn vị sản xuất xi măng đứng trước áp lực phải tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra, nhiều đơn vị phải thực hiện dừng lò nung, giảm năng suất chạy lò.

Đáng chú ý, xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời tiếp tục làm giảm lợi thế về giá trị thương hiệu xi măng VICEM, dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than dự báo vẫn duy trì ở mức cao, trong khi giá bán xi măng chưa thể bù đắp được mức tăng chi phí đầu vào, dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm mạnh.

Thị trường xuất khẩu cũng vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại; trong đó, tại Philippines bị áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng, giá cước vận chuyển còn cao... Thêm vào đó, từ ngày 1/1/2023, Việt Nam áp thuế xuất khẩu clinker từ mức 5% lên mức 10%...

Nhận diện thách thức để vượt khó, VICEM đặt mục tiêu cho năm 2023 là sản xuất khoảng 21,2 triệu tấn clinker, tăng 2,6% so với năm 2022; tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng 29,2 triệu tấn, tăng khoảng 6,3%; tổng doanh thu khoảng 40.919 tỷ đồng, tăng khoảng 3,7%; nộp ngân sách nhà nước 1.665 tỷ đồng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định, VICEM đã thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh để đề ra giải pháp cụ thể, toàn diện nhằm khắc phục và định hướng phát triển thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu VICEM tiếp tục nâng cao năng lực phân tích, dự báo các yếu tố thị trường, bám sát kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và địa phương để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch hoạt động 5 năm và hàng năm, cụ thể hóa từng lĩnh vực, từng hoạt động phù hợp với diễn biến thị trường và điều kiện cụ thể của doanh nghiệp.

"VICEM cần đảm bảo phát huy tốt nhất vai trò, nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đồng thời tham gia bình ổn, điều tiết thị trường xi măng; tập trung triển khai có hiệu quả Đề án án sắp xếp, tái cơ cấu Tổng công ty VICEM giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi được Bộ Xây dựng phê duyệt" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, VICEM cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu mới; tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh; quản lý, sử dụng hiệu quả vốn, tài sản nhà nước; tối ưu hóa lợi ích nhà nước; minh bạch, chặt chẽ trong các khâu, các giai đoạn sản xuất dinh doanh, đầu tư xây dựng, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật...

Bộ trưởng yêu cầu VICEM xác định đúng cơ cấu đầu tư – sản xuất – dịch vụ phù hợp với thực lực của doanh nghiệp và diễn biến thị trường; quan tâm hơn nữa việc điều phối nguồn nguyên liệu, clinker và xi măng giữa các nhà máy và vùng thị trường đảm bảo hợp lý và phát huy hiệu quả cao hơn, hỗ trợ tích cực hơn cho các nhà máy còn đang có nhiều khó khăn.

Cùng đó là áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ - kỹ thuật và không ngừng nỗ lực làm chủ những công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với chiến lược phát triển trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản.

Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống, VICEM cần nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất theo lộ trình một số sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình ngày càng cao của ngành xây dựng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, VICEM đã làm tốt, nhưng cần phát huy hơn nữa, tham gia thường xuyên vào hoạt động phản biện, xây dựng chính sách, đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao, phục vụ tốt nhất cho việc quản lý, điều tiết, phát triển vật liệu xây dựng; trong đó có ngành xi măng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục