Nguy cơ mất an toàn giao thông trên cao tốc Tp Hồ Chí Minh – Trung Lương

08:27' - 27/08/2019
BNEWS Từ khi cao tốc Tp HCM – Trung Lương tạm dừng thu phí, lượng phương tiện lưu thông gia tăng khiến tình hình giao thông lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, hướng đi từ TP.HCM về miền tây. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Từ khi cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương tạm dừng thu phí (1/1/2019) đến nay, lượng phương tiện giao thông lưu thông trên tuyến đường này gia tăng mạnh khiến tình hình giao thông trở nên khá lộn xộn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo thống kê của Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), kể từ sau khi dừng thu phí, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương tăng trên 31%, có thời điểm lên đến trên 51.000 lượt xe/ngày đêm.

Điều đáng nói là thành phần, tải trọng của các phương tiện tham gia lưu thông hiện không kiểm soát được.

Nhiều phương tiện như xe tải, container với trọng tải lớn cũng chạy lên cao tốc với tốc độ chậm rãi, không tuân thủ tốc độ tối thiểu theo quy định, không đảm bảo khoảng cách an toàn.

Thậm chí, có trường hợp người dân điều khiển xe gắn máy chạy vào cao tốc đã bị lực lượng Cảnh sát Giao thông phát hiện, xử lý.

Lượng xe đông, nhiều phương tiện chạy chậm làm giảm vận tốc trung bình trên tuyến chỉ đạt khoảng 60 km/h, từ đó làm tăng thời gian lưu thông, giảm tốc độ khai thác trên tuyến cao tốc này.

Đặc biệt, toàn tuyến cao tốc hiện còn có 13 cầu vượt sông, cầu cạn có tải trọng thiết kế nhỏ hơn 30 tấn, do đó việc không kiểm soát được tải trọng các phương tiện tham gia lưu thông dẫn đến nguy cơ gây hư hỏng các công trình cầu này, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên toàn tuyến.

Việc phương tiện lưu thông trên cao tốc gia tăng khiến cho một số đoạn trên tuyến đường này xuống cấp, mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt, vệt lún bánh xe.

Vào các khung giờ cao điểm các buổi sáng, trưa hay chiều tối, nếu lưu thông trên tuyến đường này theo hướng từ Tiền Giang về Thành phố Hồ Chí Minh, có thể dễ dàng nhìn thấy cảnh xe cộ đông đúc, chen lấn.

Nhiều tài xế “ức chế” vì không thể điều khiển phương tiện chạy đúng tốc độ do phía trước nhiều xe tải lớn, container lưu thông khá chậm chạp, cản trở các phương tiện đi phía sau. Nhiều phương tiện như xe khách, ô tô cá nhân vượt ẩu, cố tình chạy vào làn khẩn cấp để vượt…

Từ khi tạm ngừng thu phí đến nay, tuyến đường này đã xảy ra hơn 17 vụ tai nạn giao thông (tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm 5 người tử vong, 14 người bị thương.

Đáng chú ý là các vụ tai nạn xảy ra nhiều trên làn dừng khẩn cấp, trong đó có nhiều vụ tai nạn liên hoàn, khiến giao thông trên tuyến ách tắc nghiêm trọng trong nhiều giờ.

Anh Nguyễn Hoài Anh, một tài xế chạy xe dịch vụ ở  thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang cho biết: Từ khi cao tốc dừng thu phí đến nay, lượng xe cộ lưu thông trên tuyến đường khá đông, các phương tiện không thể chạy nhanh được.

Nhiều phương tiện như xe tải, container trước thường đi theo quốc lộ để né phí, giờ đây cũng đi cao tốc, nhiều xe không đảm bảo quy định về khoảng cách, vượt ẩu hoặc thậm chí chạy trên làn khẩn cấp …. gây mất an toàn giao thông.

Dù tình trạng giao thông lộn xộn như vậy nhưng do lực lượng chức năng bố trí tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường này khá mỏng trong khi số phương tiện quá đông, nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, một số tài xế điều khiển phương tiện còn có ý thức kém, thay vì nhường nhau, họ lại chạy song song, chạy vào làn dừng khẩn cấp  hoặc dừng đỗ hẳn trên cao tốc nên không đảm bảo an toàn.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Cục Cảnh sát Giao thông - Bộ Công an đã lập biên bản vi phạm đối với hơn 2.500 xe, trong đó lỗi vi phạm nhiều nhất là dừng đỗ trái phép trên cao tốc, có 5 trường hợp xe mô tô đi vào cao tốc.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4, trước thực trạng giao thông trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương khá lộn xộn, nhiều đoạn xuống cấp, Cục đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ kiến nghị sớm thu phí trở lại trên tuyến đường này nhằm góp phần kéo giảm lưu lượng phương tiện lưu thông, thiết lập lại trật tự và có nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa những đoạn xuống cấp.

Đồng thời, Cục đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện lưu thông trên cao tốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.

Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương có chiều dài gần 62 km, được thiết kế 6 làn xe với vận tốc 120 km/h, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, thông xe vào năm 2010.

Từ năm 2012, tuyến cao tốc bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho dự án, sau đó được Chính phủ chấp thuận mở thầu đấu giá quyền thu phí.

Đầu năm 2014, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh trúng đấu giá trên 2.000 tỷ đồng, thời gian thu phí từ 1/1/2014 đến 31/12/2018.

Đến ngày 1/1/2019, khi hết hạn hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí với Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận lại vào giao cho Cục Quản lý đường bộ 4 quản lý tuyến cao tốc này./.

                    

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục