Nguy cơ xảy ra dịch tả lợn châu Phi cao, Hải Dương lên kế hoạch phòng, chống

15:28' - 22/07/2024
BNEWS Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở một số địa phương tiếp giáp với Hải Dương, nguy cơ xảy ra dịch trên địa bàn tỉnh là rất cao. Do đó, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu địa phương có kế hoạch phòng chống.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 (lần 2) do UBND tỉnh Hải Dương vào ngày 22/7, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tả lợn châu Phi dựa trên tình hình thực tế của tỉnh, đưa ra các giải pháp để phòng, chống, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

 

Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cũng lưu ý ngành nông nghiệp và các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh; rà soát lại cụ thể, chính xác số lượng đàn lợn và tập trung triển khai tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi.

Hiện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và diễn biến phức tạp ở một số địa phương tiếp giáp với Hải Dương nên nguy cơ xảy ra dịch trên địa bàn tỉnh là rất cao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bên cạnh các giải pháp phòng, chống cụ thể cần có dự kiến hậu quả có thể xảy ra nếu dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị cần xác định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, trên địa bàn tỉnh, hiện tổng đàn lợn 440.000 con; trong đó, lợn nái và lợn đực giống có khoảng 42.500 con; lợn thịt là 300.700 con…

Trong 6 tháng đầu năm 2024, chăn nuôi lợn phát triển khá ổn định, tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi lợn chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ gia đình giảm. Tỷ trọng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, trang trại chiếm trên 60% góp phần nâng sản lượng thịt và hiệu quả trong chăn nuôi.

Người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong vận hành, quản lý đàn vật nuôi như máng ăn tự động, bán tự động, có hệ thống làm mát tự động, hệ thống thông gió, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ trong chuồng nuôi tự động; hệ thống cung cấp nước uống tự động và máy dọn, thu gom chất thải chăn nuôi; khử trùng tự động nơi ra vào trang trại, chuồng nuôi; máy phun thuốc sát trùng công suất lớn, máy cọ rửa chuồng trại; đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học, Biogas, chăn nuôi an toàn sinh học...

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các trang trại chăn nuôi giống ông bà sản xuất con giống thương phẩm chất lượng cao, có thể cung cấp con giống cho người chăn nuôi trong tỉnh và xuất đi các tỉnh trong cả nước.

Để chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các địa phương chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; khi có ổ dịch phát sinh thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết; hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất.

Các cơ quan chức năng, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh, không giấu dịch làm lây lan dịch bệnh động vật; tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và việc sử dụng vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt.

Cùng đó, tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật; tổ chức tiêm phòng đánh giá vaccine phòng tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt làm cơ sở để triển khai diện rộng; tiến hành theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn lợn thịt sau khi tiêm phòng vaccine, lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra hàm lượng kháng thể miễn dịch bảo hộ của vaccine sau tiêm phòng; tổng hợp kết quả tiêm phòng đánh giá vaccine phòng bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Hải Dương cũng tiếp tục tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật; đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép theo quy định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục