Nguyên nhân nào gây sạt lở sông Đồng Nai?

10:59' - 27/02/2018
BNEWS Sau quá trình nghiên cứu, đánh giá, tỉnh Đồng Nai xác định nguyên nhân chính gây tình trạng sụt lún và sạt lở bờ sông tại khu vực trên là do tác động của dòng chảy.
Nguyên nhân nào gây sạt lở sông Đồng Nai? Ảnh minh họa: TTXVN

Hàng chục hộ dân sống ven tuyến tỉnh lộ 768 thuộc xã Tân An và Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, đã phải bỏ nhà, di dời đến nơi khác ở nhằm đảm bảo an toàn trước tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng.

Sau quá trình nghiên cứu, đánh giá, tỉnh Đồng Nai xác định nguyên nhân chính gây tình trạng sụt lún và sạt lở bờ sông tại khu vực trên là do tác động của dòng chảy.

Khu vực sụt lún, sạt lở kéo dài từ cầu Rạch Đông đến cầu Thủ Biên thuộc xã Tân An và xã Thiện Tân, cách tim tỉnh lộ 768 khoảng 30 – 50m. Vệt nứt gãy gây sụt lún đất cách mép sông Đồng Nai từ 10 – 15m.

Ngoài 20 hộ dân bị ảnh hưởng phải bỏ lại nhà di chuyển đến nơi ở khác, khu vực sạt lở còn tác động đến 1 nhà văn hóa ấp và khu Miếu Bà với vết nứt gãy rộng từ 20 – 50cm.

Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, đoạn sông Đồng Nai khu vực xã Tân An - Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, có đặc điểm địa hình là sông đơn tuyến, cong, đáy sông tại một số vị trí là đá gốc làm dòng chảy thay đổi tạo thành dòng chảy vòng và xoáy ngược vào bờ.

Địa hình hai bên bờ sông cao và dốc gây gia tăng tốc độ dòng chảy và năng lượng dòng chảy trong sông.

Hố xói ở đáy sông tại vị trí đỉnh cong và dòng thấm bị dịch chuyển sát bờ sông, tạo hàm ếch phần gần đáy bờ sông, gây mất ổn định, sạt lở bờ sông.

Mực nước sông lên xuống theo chế độ bán nhật triều (2 lần/ngày đêm) trong mùa kiệt và mùa lũ làm cho đất bờ sông bị khô- ướt liên tục.

Quá trình này kéo dài làm suy giảm liên kết giữa các hạt đất và ảnh hưởng đến ổn định bờ.

Đặc biệt, lưu hướng của dòng chảy có hướng tác dụng vào phía bờ sông khi triều lên, xuống, chế độ thủy lực diễn biến phức tạp với các xoáy nước, đồng thời với lưu tốc dòng chảy lớn hơn lưu tốc khởi động bùn cát, gây ra tác động xói của dòng chảy.

Đây là khúc sông cong, trạng thái ứng suất tự nhiên của đất bờ biến đổi theo chiều hướng làm giảm lực chống trượt và làm gia tăng lực đẩy trượt khối đất bờ.

Theo các kịch bản ứng phó với tình trạng sạt lở tại khu vực trên mà tỉnh Đồng Nai đưa ra, đến cuối năm 2018 dự báo khu vực bờ sông Đồng Nai tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tốc độ xói 4,36 m/năm.

Với kịch bản lũ nhỏ tương tự năm 2010, dự báo tốc độ xói 3,81 m/năm. Sau 20 năm, tốc độ xói trung bình khoảng 1,11 m/20 năm, tốc độ lớn nhất 7,08 m/20 năm tại vị trí ngay trước đỉnh cong sông Đồng Nai thuộc xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu.

Để đảm bảo an toàn cho tuyến tỉnh lộ 768 và các công trình công cộng, công trình dân sinh tại khu vực sạt lở trên, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra các giải pháp xử lý. Theo đó, từ năm 2018 đến năm 2035 Đồng Nai chia làm 4 giai đoạn chỉnh trị sông bằng hình thức xây kè bảo vệ bờ với chiều dài 3,25km, tổng kinh phí dự kiến trên 286 tỷ đồng.

Trước đó, như phóng viên TTXVN đã phản ánh, khoảng từ tháng 6/2016 tại khu vực bờ sông xã Tân An và Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng. 20 căn nhà của người dân cùng một nhà văn hóa ấp, một ngôi miếu bị sụt lún và đổ sập.

Chính quyền huyện Vĩnh Cửu đã yêu cầu 20 hộ dân di dời ra khỏi vùng sạt lở, đồng thời bố trí đất tái định cư tại một địa điểm khác để người dân ổn định cuộc sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục