Nhà đầu tư nội bán mạnh cổ phiếu, khối ngoại liên tiếp mua ròng

16:17' - 22/05/2025
BNEWS Nhà đầu tư trong nước bán mạnh cổ phiếu khiến cho hàng loạt mã đảo chiều giảm giá.
Trong khi đó, khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng trong phiên giao dịch hôm nay là "điểm sáng" đáng chú ý.

Dòng tiền vẫn ở lại thị trường chứng khoán, với thanh khoản hàng tỷ USD mỗi phiên. Tuy nhiên, sự suy yếu của nhiều cổ phiếu trụ cột trong phiên chiều là nguyên nhân khiến chỉ số quay đầu giảm điểm trong phiên hôm nay.

Chốt phiên giao dịch ngày 22/5, VN-Index giảm 9,21 điểm xuống 1.313,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,15 tỷ cổ phiếu, tương ứng trên 26.405 tỷ đồng. Toàn sàn có 98 mã tăng giá, 214 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,67 điểm xuống 216,79 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 92,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.473,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 59 mã tăng giá, 106 mã giảm giá và 57 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,31 điểm lên 96,14 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 63,3 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 567 tỷ đồng. Toàn sàn có 126 mã tăng giá, 140 mã giảm giá và 75 mã đứng giá.

 
Sắc xanh phiên sáng tại nhiều mã cổ phiếu trong phiên sáng đã chuyển sang sắc đỏ khi chốt phiên chiều 22/5. Theo đó, rổ cổ phiếu VN30 có tới 24 mã giảm và chỉ còn 4 mã tăng. Đáng chú ý, trong 4 mã cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM, VRE và VPL chỉ còn duy nhất VHM tăng giá 1,19%. Mức tăng này đã co hẹp rất nhiều so với phiên sáng.

Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cũng chìm trong sắc đỏ. Theo đó chỉ còn 4 mã ngân hàng tăng giá, trong khi có tới 18 mã giảm giá. Cổ phiếu chứng khoán từ chỗ ngập trong sắc xanh phiên sáng đã hoàn toàn đảo ngược khi ngập trong sắc đỏ trong phiên chiều.

Sắc đỏ cũng lan rộng tại nhóm cổ phiếu hóa chất, dầu khí, bảo hiểm, viễn thông, công nghệ thông tin.

Ở chiều tích cực, nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng khá mạnh. Theo đó, DKC và PET đều tăng kịch trần. Các mã DGW, AST, CMV, PSD, SAS chốt phiên trong sắc xanh.

Dù thị trường giảm điểm, nhưng khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 69 tỷ đồng phiên hôm nay. Theo đó, trên HOSE, khối ngoại mua ròng xấp xỉ 114 tỷ đồng. VIX được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị lên tới 147 tỷ đồng. Các mã MWG, VHM và EIB được mua ròng lần lượt là 134 tỷ đồng, 112 tỷ đồng và 111 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng mua ròng gần 6 tỷ đồng trên thị trường UPCOM, trong khi bán ròng khoảng 51 tỷ đồng trên HNX.

Thực tế, những chuyển động của thị trường chứng khoán Việt Nam phiên hôm nay khá tương đồng với các thị trường chứng khoán trong khu vực,

Theo đó, thị trường chứng khoán châu Á và đồng USD đồng loạt giảm trong phiên giao dịch ngày 22/5, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài ổn định ở gần mức cao nhất trong 18 tháng. Nguyên nhân là nhà đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng tài chính xấu đi của Mỹ- nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tâm điểm hiện đang hướng về dự luật cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến sẽ được Hạ viện đưa ra bỏ phiếu trong vài giờ tới. Nhà đầu tư lo ngại rằng kế hoạch này có thể khiến nợ công của Mỹ tăng thêm khoảng 3.800 tỷ USD, nâng tổng nợ lên khoảng 36.000 tỷ USD.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) mất 0,6%. 

Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chịu áp lực giảm. Chỉ số này đóng cửa ở mức thấp nhất hai tuần, do việc bán tháo các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu khi đồng yen mạnh lên bởi lo ngại về sự suy giảm sức khỏe tài chính của Mỹ. Cụ thể, Nikkei 225 giảm 313,11 điểm (0,84%) so với phiên trước đó, xuống mức 36.985,87 điểm.

Tâm lý thị trường trở nên u ám sau khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ hồi tuần trước. Đồng thời, xu hướng bán tháo tài sản Mỹ đang dần lan rộng, khiến đồng USD dao động gần mức thấp nhất trong hai tuần so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Trong bối cảnh lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu do chính sách thương mại thất thường của ông Trump, giới đầu tư đang tìm kiếm cơ hội bên ngoài thị trường Mỹ.

Thị trường trái phiếu Nhật Bản cũng đang chịu áp lực khi làn sóng bán ra tiếp diễn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật kỳ hạn 30 năm hiện ở mức 3,155%, chỉ còn cách mức cao kỷ lục 3,185% của phiên trước đó không xa.

Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 22/5, khi các nhà đầu tư bán tháo hầu hết các cổ phiếu blue chip sau đà giảm của Phố Wall vào đêm trước. Kết thúc phiên này, chỉ số Kospi giảm 1,22% xuống 2.593,67 điểm.

Tại Trung Quốc, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng và khai khoáng đã không thể bù đắp cho những lo ngại về sức khỏe tài chính của nền kinh tế Mỹ. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,2% xuống 23.547,65 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) cũng hạ 0,2% xuống 3.380,19 điểm./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục