Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Khó tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng

21:12' - 14/12/2015
BNEWS Với nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nằm trong gói 30.000 tỷ đồng hiện mới chỉ số ít doanh nghiệp và người dân được tiếp cận.
Hiện nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho lực lượng lao động, cán bộ công nhân viên và người thu nhập thấp là rất lớn. Ảnh: TTXVN

Tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng gần 3 triệu dân; trong đó, hơn 800.000 công nhân lao động chủ yếu là người nhập cư đến từ các tỉnh thành khác trong cả nước.

Theo dự báo, hiện nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho lực lượng lao động, cán bộ công nhân viên và người thu nhập thấp trên địa bàn Đồng Nai là rất lớn. Dù nhu cầu về nhà ở xã hội cao, nhưng nhiều lý do khiến việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân còn hạn chế.
* Huy động nhiều nguồn lực
Theo thống kê của Sở Xây dựng Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có 89 dự án nhà ở xã hội (kể cả các khu nhà lưu trú cho công nhân do danh nghiệp xây dựng), với tổng diện tích quy hoạch là 636 ha. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 25 dự án hoàn thành; 43 dự án đang triển khai và 21 dự án nhà nước đã thu hồi do chậm hoặc không triển khai.
Trong năm 2014, tỉnh Đồng Nai xây dựng 875 căn nhà ở xã hội, năm 2015 hoàn thành 726 căn. Những dự án nhà ở xã hội hoàn thiện thời gian qua chủ yếu tại thành phố Biên Hoà và huyện Nhơn Trạch, nơi có đông công nhân và cán bộ công nhân viên chức nhà nước.
Ngoài ra, dự án xây dựng với diện tích gần 7.500 m2 tại phường Tam Hoà, Tp. Biên Hoà cũng được chuyển đổi nguồn gốc vốn để phát triển nhà ở xã hội với trên 532 căn hộ. Dự án nhà ở xã hội Sơn An tại phường Tam Hoà với 408 căn hộ đang triển khai xây dựng lại sau nhiều năm tạm ngưng do thiếu vốn...

Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, phần lớn các dự án nhà ở xã hội trên đều do các thành phần kinh tế tham gia phát triển, chiếm 70% số dự án.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy định tại Nghị định 188/2013/NĐ - CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai quy định này gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, qua rà soát có 86 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh, với diện tích trên 5.800 ha phải dành quỹ đất 20% cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, hiện các dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật bàn giao cho các địa phương quản lý là 13,5 ha, chiếm tỷ lệ khoảng 2,6%. Quỹ đất sạch có hạ tầng để kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế.
Với tỷ lệ đất dành cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội thấp, trong khi hiện chưa có dự án thực hiện hoán đổi quỹ đất 20% bằng tiền hoặc căn hộ.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương chưa được các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn phương án thực hiện nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai.
* Nhu cầu cao, tiến độ chậm
Với nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nằm trong gói 30.000 tỷ đồng hiện mới chỉ số ít doanh nghiệp và người dân được tiếp cận.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai, mới có 140 tỷ đồng của gói tín dụng trên được giải ngân. Trong đó, các doanh nghiệp vay để xây dựng nhà ở xã hội là trên 71,2 tỷ đồng; cá nhân vay mua nhà ở xã hội gần 32 tỷ đồng và cá nhân mua nhà ở thương mại gần 38 tỷ đồng.
UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận với nguồn tín dụng từ gói 30.000 tỷ đồng là do các quy định về điều kiện vay vốn còn nhiều vướng mắc, ràng buộc. Tại Đồng Nai mới có 2 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn trên là Công ty IDICO và Công ty Sơn An.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh còn rất lớn.

Ông Trần Văn Vĩnh cho biết, để có nguồn đất sạch phục vụ nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, tỉnh Đồng Nai rà soát toàn bộ quỹ chưa sử dụng trong các khu công nghiệp để kiến nghị Trung ương cho phép đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy diện tích dôi dư rất hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm đến đầu tư nhà ở cho công nhân, chưa có trách nhiệm trong việc chăm lo chỗ ở cho người lao động.
Một nguyên nhân khác khiến việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn chậm là do chính sách pháp luật còn chậm, lại sửa đổi, bổ sung nhiều lần do đó chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Mặt khác Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thực thi từ 1/7/2015, nhưng đến ngày 20/10/2015 mới có Nghị định hướng dẫn và đến ngày 10/12/2015 mới có hiệu lực thi hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục