Nhận biết về lừa đảo sử dụng AI để tránh "sập bẫy” trên mạng xã hội

09:56' - 31/12/2024
BNEWS Đánh cắp tài khoản mạng xã hội rồi nhắn tin lừa đảo là 1 trong 24 hình thức lừa phổ biến nhất năm 2024; trong đó lừa đảo sử dụng AI là một trong những thủ đoạn tinh vi nhất hiện nay.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay số người dùng Facebook cũng như Zalo đều chiếm tới hơn 76 triệu người dùng tại Việt Nam (chiếm gần 70% dân số), ngoài ra còn có một số mạng xã hội khác. Các mạng xã hội này cũng là không gian dễ bị các đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, lừa đảo bằng đánh cắp tài khoản mạng xã hội rồi nhắn tin lừa đảo là 1 trong 24 hình thức lừa đảo phổ biến nhất năm 2024.

Theo đó, các đối tượng sẽ lập các tài khoản Facebook, Zalo… giả mạo chính chủ hoặc chiếm đoạt mạng xã hội của các cá nhân, sau đó nhắn tin mượn tiền, nạp thẻ điện thoại người thân, bạn bè của họ. Đồng thời, lợi dụng chính sách cho đăng ký tài khoản online của các ngân hàng, các đối tượng dùng phần mềm photoshop chỉnh sửa thông tin trong căn cước công dân thu thập được từ trước trùng khớp với họ và tên của người dùng mạng xã hội bị hack rồi in ra giấy in ảnh, sử dụng căn cước công dân giả này để đăng ký tài khoản ngân hàng online. Thủ đoạn lừa đảo mới này khiến nạn nhân lầm tưởng đó là tài khoản ngân hàng của người thân, bạn bè mình.

Quá trình đấu tranh nhận thấy các đối tượng có tuổi đời còn rất trẻ, am hiểu công nghệ thông tin; phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, chuyên nghiệp, có tính chất băng, nhóm. Các đối tượng có tính cảnh giác cao, liên tục thay đổi địa điểm, máy móc sử dụng tài khoản giả để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Sử dụng AI giả mạo hình ảnh, giọng nói để chiếm đoạt tài sản

Một trong những thủ đoạn tinh vi hơn được các đối tượng lừa đảo sử dụng đó là deepfake - một loại công nghệ có thể mô phỏng khuôn mặt con người, cho phép người dùng có thể tạo ra những hình ảnh, đoạn video giả mạo gần giống với người thật. Nhiều người dùng mạng xã hội đã bị lừa tiền bởi đoạn video, cuộc gọi video hay đoạn hội thoại giả mạo người thân được tạo ra từ công nghệ này.

Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2017, deepfake chỉ đơn thuần là công cụ ghép mặt người này vào người khác, tuy nhiên đến nay, deepfake đã bị lợi dụng trở thành công cụ cho các phi vụ lừa đảo.

Việc deepfake ngày càng phát triển cùng với việc thao tác video được tự động hóa sẽ tạo ra nhiều mối đe dọa đối với xã hội vì việc thao túng hình ảnh ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Đây sẽ là cơ hội cho các đối tượng lừa đảo thực hiện các hành vi của mình một cách tinh vi hơn, đặc biệt là lừa đảo trong hoạt động ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo

Để nhận biết những dấu hiệu nhận diện chiêu trò lừa đảo và biện pháp phòng tránh, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân lưu ý đến những dấu hiệu sau:

Kiểm tra kỹ tin nhắn hoặc email đáng ngờ: Nếu nhận được một tin nhắn hoặc email từ một người bạn trong danh sách bạn bè yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm, yêu cầu chuyển tiền hoặc thực hiện hành động khẩn cấp, hãy cảnh giác, vì đó có thể là tin nhắn lừa đảo.

Đặc biệt, nếu tin nhắn có chứa các lời khẩn cấp, đe dọa hoặc yêu cầu không phù hợp, hãy kiểm tra lại xem có phải tin nhắn thực sự từ bạn bè của bạn hay không.

Lưu ý sự thay đổi đột ngột trong ngôn ngữ hoặc phong cách viết: Nếu tin nhắn từ bạn bè có sự thay đổi đột ngột trong cách viết, từ ngữ không giống với phong cách thông thường hoặc có chứa các lời lẽ lạ lùng, cẩn thận hơn.

Kiểm tra đường link đáng ngờ được chia sẻ trong tin nhắn: Nếu đường link có dấu hiệu đáng ngờ như URL không phổ biến, thiếu ký tự an toàn (https://), hoặc điều hướng đến các trang web không rõ nguồn gốc hoặc đáng ngờ, hãy tránh nhấp chuột hoặc truy cập vào đường link đó.

Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin đăng nhập: Không nên cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm hoặc thông tin đăng nhập (tên đăng nhập, mật khẩu) thông qua tin nhắn hoặc email. Kẻ lừa đảo thường sử dụng chiêu này để chiếm quyền điều khiển tài khoản của bạn.

Xác minh thông tin: Nếu bạn nhận được một tin nhắn hoặc email đáng ngờ từ một người bạn, hãy thử liên hệ trực tiếp với họ thông qua các phương tiện khác (điện thoại, tin nhắn, email) để xác minh xem tin nhắn đó có phải từ họ hay không. Đừng sử dụng thông tin liên hệ được cung cấp trong tin nhắn đáng ngờ để xác minh.

Báo cáo và cảnh báo: Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu lừa đảo nào, hãy báo cáo ngay lập tức cho người bạn bè bị ảnh hưởng và thông báo vụ việc cho nền tảng mạng xã hội hoặc dịch vụ email để họ có thể thực hiện biện pháp cần thiết:

Thay đổi mật khẩu ngay lập tức của tài khoản mạng xã hội và sử dụng một mật khẩu mạnh, bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt.

Báo cáo sự cố thông qua mạng xã hội hoặc các liên hệ khác như điện thoại, email.

Thông báo cho bạn bè và người thân trong danh sách bạn bè về tình huống và cảnh báo họ không nên tin tưởng hoặc phản hồi vào những tin nhắn lừa đảo.

Ngoài ra, hãy luôn giữ cảnh giác và tuân thủ các biện pháp bảo mật cơ bản như không chia sẻ thông tin cá nhân và mật khẩu với bất kỳ ai, không bấm vào các liên kết không rõ nguồn gốc hoặc tin nhắn đáng ngờ, cập nhật phần mềm bảo mật định kỳ để tránh các lỗ hổng bảo mật.

Trước nguy cơ cả hình ảnh và giọng nói đều có thể làm giả mạo, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân luôn có ý thức xác minh; đừng vội truy cập bất kỳ đường link nào để đề phòng nguy cơ bị hack tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; hạn chế sự hiện diện trên mạng xã hội, hoặc đặt tài khoản của mình ở chế độ riêng tư, chỉ chấp nhận yêu cầu từ những người tin tưởng để phòng ngừa, ngăn chặn việc dữ liệu hình ảnh, âm thanh của mình bị sao chép.

Người dân tuyệt đối không đưa lên mạng các thông tin như số căn cước công dân, địa chỉ nhà riêng, ngày sinh, số điện thoại, tên của con cái…

Bên cạnh đó, nếu nhận được các cuộc gọi đe dọa tống tiền bằng hình ảnh hay video nhạy cảm, người dân cần bình tĩnh, xác minh và tìm hiểu kỹ nguồn gốc của hình ảnh, video. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức về những vấn đề an toàn không gian mạng, tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết về hình thức lừa đảo AI để tránh bị sập bẫy chiếm đoạt tài sản hay lộ lọt thông tin cá nhân phục vụ vào mục đích xấu.

Người dân không nên truy cập vào các địa chỉ website lạ, không cài đặt các phần mềm lạ không rõ nguồn gốc, những phần mềm đòi hỏi yêu cầu cấp quyền truy cập cao vào thông tin người dùng, truy cập thẻ nhớ, danh bạ, vị trí, chụp ảnh…

Nếu bị làm giả deepfake hay lừa đảo trực tuyến nói chung, người dùng nên thông báo ngay lập tức cho mọi người biết và báo cơ quan công an tại nơi cư trú.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục