Nhận diện các động lực mới cho phát triển bền vững

15:08' - 01/04/2025
BNEWS Đổi mới thể chế, phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là những trụ cột quan trọng để tạo ra các đột phá mới trong tăng trưởng.

Ngày 1/4, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Các động lực cho tăng trưởng cao bền vững kinh tế năm 2025 và giai đoạn 2026-2030”.

 

Sự kiện nhằm thảo luận, đánh giá và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025, hướng tới mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và duy trì đà tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, Việt Nam cần nhận diện rõ các động lực mới cho phát triển bền vững. Nền kinh tế không thể tiếp tục phụ thuộc vào các động lực truyền thống như lao động giá rẻ hay khai thác tài nguyên thiên nhiên mà cần phải chuyển mạnh sang các yếu tố hiện đại và bền vững hơn. Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh cho rằng, đổi mới thể chế, phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là những trụ cột quan trọng để tạo ra các đột phá mới trong tăng trưởng.

Chia sẻ tại Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội khẳng định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước. Đây là năm bản lề, vừa là thời điểm để hoàn thành các kế hoạch của giai đoạn 5 năm 2021-2025, vừa là bước chuẩn bị cho việc triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2035.

Trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều biến động khó lường, từ địa chính trị, kinh tế toàn cầu đến biến đổi khí hậu, Tiến sỹ Nguyễn Hải Nam cho rằng, Việt Nam vẫn có cơ hội để bứt phá nếu kiên định và quyết liệt trong đổi mới thể chế và cải cách môi trường đầu tư. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, Việt Nam cần khơi thông các điểm nghẽn pháp lý, thúc đẩy đồng thời ba trụ cột là đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, vai trò của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và phát triển các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án chiến lược, đi kèm với phân cấp mạnh mẽ cho địa phương sẽ là điều kiện cần thiết để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là trong các lĩnh vực mũi nhọn.

Còn theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn, hiện nay đang tồn tại 8 rào cản lớn kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế, trong đó đáng chú ý là môi trường pháp lý còn thiếu thuận lợi, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa cụ thể, cùng với những bất cập trong việc tiếp cận các nguồn lực thiết yếu như đất đai, tín dụng hay thông tin thị trường. Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển của một số nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam hoàn toàn có thể rút ra những bài học phù hợp để vận dụng vào quá trình hoạch định chính sách trong nước.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, để khu vực kinh tế tư nhân “cất cánh”, cần có những hành động quyết liệt, đồng bộ và dài hạn, trong đó đặc biệt tập trung vào ba yếu tố then chốt là thể chế, tài chính và nguồn lực. Ngoài ra, vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong việc mở đường cho các doanh nghiệp nhỏ hơn cùng phát triển cũng tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp năng động và bền vững.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý. Các đại biểu đều thống nhất, để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian tới, nhất thiết phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả và tính tự chủ của nền kinh tế; trong đó, yếu tố thể chế được xem là “nút thắt” cần tháo gỡ trước tiên để khơi thông các nguồn lực phát triển và tạo ra động lực tăng trưởng mới, mạnh mẽ và thực chất hơn cho đất nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục