Thị trường chứng khoán có nhiều yếu tố hỗ trợ đà tăng trưởng

12:45' - 01/04/2025
BNEWS Với sự kết hợp của tăng trưởng tín dụng, tiến trình nâng hạng thị trường, cải tiến hệ thống giao dịch và đẩy mạnh đầu tư công, thị trường chứng khoán có nhiều yếu tố hỗ trợ để tiếp tục đà tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại quý 1 với không ít biến động, phản ánh sự thăng trầm trong suốt ba tháng qua. Sau đợt điều chỉnh mạnh đầu năm, thị trường đã có sự hồi phục mạnh mẽ từ giữa tháng 1, đi kèm với sự cải thiện rõ rệt về thanh khoản. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này không duy trì được lâu, khi thị trường bắt đầu chững lại vào giữa tháng 3 trước khi điều chỉnh trở lại.

Kết thúc quý 1, VN-Index chỉ ghi nhận mức tăng 3,16%, đây là mức tăng thấp nhất trong ba năm qua nếu xét riêng quý đầu năm của các năm trước.

Để giúp nhà đầu tư nhìn lại thị trường chứng khoán quý I, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc phỏng vấn TS. Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty CP Chứng khoán DNSE xung quanh kết quả thị trường chứng khoán quý I, nguyên nhân của việc bán ròng và những kỳ vọng về thị trường trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về diễn biến của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay?

Thị trường chứng khoán quý 1/2025 ghi nhận diễn biến tích cực khi VN-Index vượt mốc 1.300 điểm thành công, tăng khoảng 5,9% so với đầu năm. Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể, đạt trung bình 22.000 - 23.000 tỷ đồng/phiên, mức cao so với trung bình nhiều năm trước.

Sự khởi sắc này phản ánh triển vọng lạc quan của thị trường, xuất phát từ ba yếu tố chính, đó là kết quả kinh doanh khả quan: Lợi nhuận quý 4/2024 của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước; Mục tiêu GDP tham vọng: Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên – một con số đầy thách thức nhưng cũng thể hiện quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế; Chính sách hỗ trợ tích cực: Hàng loạt biện pháp được đưa ra để kích thích tăng trưởng, bao gồm bơm tiền qua kênh tín dụng và đẩy mạnh đầu tư công.

Những động thái này đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong thời gian qua.

Phóng viên: Thưa ông, việc khối ngoại liên tục bán ròng có đáng ngại cho VN-Index hay không?

Dù thị trường trong nước khởi sắc, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì xu hướng bán ròng. Trong ba tháng đầu năm 2025, khối ngoại đã rút hơn 24.000 tỷ đồng khỏi thị trường. Bối cảnh toàn cầu cũng không mấy thuận lợi khi kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn và căng thẳng thương mại leo thang, kéo theo những tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam không là ngoại lệ.

Tuy nhiên, có hai điểm đáng chú ý: Đầu tiên là áp lực bán ròng đang giảm dần, cho thấy tâm lý nhà đầu tư có thể dần ổn định trở lại; hai là VN-Index vẫn duy trì đà tăng và vượt mốc 1.300 điểm, bất chấp giai đoạn bán ròng mạnh mẽ trước đó.

Điều này cho thấy nội lực thị trường đang khá vững, với dòng tiền nội địa đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nhịp tăng trưởng.

Phóng viên: Vậy theo ông, nguyên nhân dịch chuyển của dòng tiền đến từ đâu?

Trong ba tháng qua, dòng tiền trên thị trường đã chảy mạnh vào một số nhóm ngành nhất định, đặc biệt là 2 nhóm ngành liên quan đến nhóm dòng tiền kỳ vọng được bơm vào thị trường một cách mạnh mẽ, là ngân hàng, chứng khoán và đầu tư công. Do vậy, nhóm khoáng sản, vật liệu xây dựng, ngân hàng, tài chính (chứng khoán) và bất động sản. Cả năm nhóm này đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ 10% - 20%, vượt xa mức tăng 5,9% của VN-Index.

Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ ba yếu tố: Triển vọng kinh tế trong nước, yếu tố tăng trưởng GDP từ 8% là yếu tố then chốt: Các ngành này phản ứng nhanh với chính sách tiền tệ và kỳ vọng tăng trưởng GDP, giúp thu hút dòng tiền.

Ít chịu tác động từ yếu tố bên ngoài: So với các ngành xuất khẩu, những nhóm ngành này có mức độ phụ thuộc vào biến động toàn cầu thấp hơn.

Dịch chuyển dòng tiền: Trong khi các ngành trên tăng trưởng mạnh, nhóm công nghệ thông tin lại đi ngược xu hướng khi bị bán ròng nhiều nhất và điều chỉnh giảm sâu. Nguyên nhân chính là chính sách đánh thuế của cựu Tổng thống Trump đối với hàng hóa công nghệ và chất bán dẫn, gây áp lực lên ngành này.

Xu hướng này cho thấy nhà đầu tư đang đặt cược vào những ngành có triển vọng hưởng lợi từ chính sách kinh tế trong nước, thay vì những lĩnh vực nhạy cảm với bất ổn toàn cầu.

Phóng viên: Nhìn vào các yêu tố vĩ mô thì thị trường chứng khoán có điểm nhấn nào đáng kỳ vọng trong thời gian tới thưa ông?

Thị trường chứng khoán đang đứng trước nhiều động lực quan trọng, từ tăng trưởng tín dụng, tiến trình nâng hạng thị trường đến sự cải thiện hạ tầng giao dịch với hệ thống KRX, và thúc đẩy giải ngân đầu tư công hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% làm nền tảng cho tăng trưởng GDP từ 10% ở giai đoạn sau: Tín dụng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt khi Chính phủ đang thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Dòng tiền từ tín dụng được kỳ vọng sẽ chảy mạnh vào các lĩnh vực then chốt như bất động sản, sản xuất và đầu tư công, góp phần tạo động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng 2025 được Ngân hàng nhà nước đặt mục tiêu 16%, cao hơn nhiều so với các năm trước, chấp nhận 1 phần rủi ro lạm phát để có tăng trưởng.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vẫn là mục tiêu quan trọng, giúp thu hút dòng vốn ngoại từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Một khi được nâng hạng, thị trường Việt Nam sẽ hưởng lợi từ dòng vốn dài hạn, góp phần gia tăng thanh khoản và cải thiện định giá cổ phiếu. 

Ngoài ra, hệ thống giao dịch KRX đang dần hoàn thiện, hứa hẹn mang đến những thay đổi mang tính bước ngoặt cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo phía FTSE, việc nâng hạng thị trường có thể đón nhận thêm giá trị giao dịch lên đến 5-6 tỷ USD.

Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng đầu tư công năm 2025 lên tới 885 nghìn tỷ đồng, tăng gần 30% so với kế hoạch năm 2024. Đây là mức tăng đáng kể, phản ánh cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các dự án hạ tầng quy mô lớn. Việc giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công sẽ có tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành như xây dựng, vật liệu, bất động sản và tài chính.

Nhìn chung, với sự kết hợp của tăng trưởng tín dụng, tiến trình nâng hạng thị trường, cải tiến hệ thống giao dịch và đẩy mạnh đầu tư công, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều yếu tố hỗ trợ để tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục