Nhận diện hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em

22:17' - 05/04/2019
BNEWS Một số báo cáo khảo sát nghiên cứu cho thấy, các vụ việc xâm hại/bạo lực liên quan đến trẻ em diễn ra hàng ngày, hàng giờ và mọi nơi, không chỉ tại Việt Nam mà ở các nước.

Ngày 5/4, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các tổ chức, đơn vị khác, tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Dự án trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 và tham vấn kế hoạch đánh giá cuối kỳ Dự án”.

Dự án góp phần xây dựng một xã hội bền vững, thông qua củng cố môi trường hỗ trợ giáo dục và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử.

Gia tăng cơ hội tự vệ cho trẻ em

Dự án “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em bị tổn thương ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn II”, được triển khai bởi Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (SC) và do Quỹ IKEA (Hà Lan) tài trợ từ tháng 9/2016 – 8/2019.

Dự án được thiết kế và triển khai tại 50 trường thuộc 24 xã phường thuộc 4 quận, huyện (Gò Vấp, Củ Chi, Bình Tân và Thủ Đức). Bên cạnh đó, Dự án còn phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Trẻ em, nhằm triển khai một số hoạt động cấp thành phố và quốc gia.

Dự án thúc đẩy gia tăng cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nhập cư được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế và bảo vệ trong môi trường an toàn, thân thiện. Dự án mang lại lợi ích cho khoảng 55.000 trẻ em (từ 6 – 16 tuổi) và 48.000 người lớn (nhà quản lý trường học, giáo viên, cha mẹ, nhân viên bảo vệ trẻ em và tình nguyện viên).

Theo đó, sau hơn một năm triển khai, Dự án đã khảo sát 628 học sinh, trong đó có 263 học sinh nam và 365 học sinh nữ. Đồng thời, có 26,4% trẻ tham gia khảo sát thuộc các gia đình nhập cư đến Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Dự án can thiệp, kiến thức của học sinh về khái niệm trẻ em theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và luật trẻ em của Việt Nam đều tăng rõ rệt.

Đơn cử, hai hành vi được xem là hình thức xâm hại trẻ em được các em lựa chọn nhiều nhất lần lượt là đánh, đấm, đá, tát chiếm 83,2% và nhốt trong phòng là 72,3%.

Còn ở lĩnh vực bảo vệ trẻ em trong gia đình và cộng đồng, có 29,9% trẻ em được khảo sát chọn cách cố gắng thoát khỏi những hình vi bạo lực tại gia đình và cộng đồng; 28,4% báo cho người lớn tin tưởng…

Tỷ lệ trẻ em chọn cách không làm gì, âm thầm chịu đựng là 22,9% và có 31,3% trả lời có biết về nơi nào hay ai giúp đỡ khi bị xâm hại/bạo lực tại nơi sinh sống.

Đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam cho biết, kết quả giữa kỳ của Dự án cho thấy trong giai đoạn tới cần đẩy mạnh giáo dục cho các em quyền lên tiếng và quyền được bảo vệ, cung cấp các địa chỉ tin cậy để các em có thể tìm đến khi gặp khó khăn. Song song đó, đa dạng hóa các nội dung hoạt động của phòng tư vấn học đường để thu hút các em học sinh tham gia hơn nữa.

Theo ông Trần Văn Tịnh, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Dự án nên tổ chức giao lưu các nhóm trẻ giữa các trường với nhau, để các em trao đổi, học hỏi và sinh hoạt với nhau.

Bên cạnh đó, Dự án cần trang bị thêm cho các trường những quyển sách hay về giáo dục quyền trẻ em, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng phân tích hoạt động của học sinh. Đặc biệt, cần có những buổi tập huấn thêm cho giáo viên nòng cốt về những kỹ năng cơ bản, cần thiết trong hoạt động.

Nhận định công tác quản lý đối tượng trẻ nhập cư còn nhiều khó khăn do vậy tình trạng di dân, Ban điều phối Dự án “Trường học thân thiện và Bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương” quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, công tác nhận sự trong việc tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ chuyên trách trẻ em, cộng tác viên. Do vậy, cơ quan chức năng khó đáp ứng được nghiệp vụ chuyên môn và nguồn nhân lực trong hoạt động.

Nhận diện hành vi xâm hại/bạo lực

Một số báo cáo khảo sát nghiên cứu cho thấy, các vụ việc xâm hại/bạo lực liên quan đến trẻ em diễn ra hàng ngày, hàng giờ và mọi nơi, không chỉ tại Việt Nam mà ở các nước.

Trong thời gian gần đây, tại Việt Nam, những vụ việc xâm hại/bạo lực trẻ em đã xảy ra không chỉ gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng, mà còn là “hồi chuông” cảnh báo về vấn đề tạo môi trường phát triển thân thiện và bảo vệ trẻ em bị tổn thương.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bình đẳng giới và trẻ em, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, những vụ việc liên quan đến trẻ bị xâm hại/bạo lực trong thời gian gần đây đặt ra cây hỏi cho các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến trẻ em ở đâu, gia đình, trường học và cộng đồng như thế nào để đồng hành bảo vệ trẻ em.

Đơn cử, vai trò của nhà trường trong cuộc chiến bảo vệ trẻ em và học sinh là vấn đề cần quan tâm, nhất là trong bối cảnh lối sống hiện đại hiện nay. Song song đó, phải chăng giáo viên đang thiếu và chưa được đào tào đúng mức về kỹ năng, nhận thức và cơ sở pháp lý để bảo vệ trẻ em trong môi trường an toàn, thân thiện, chất lượng khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử.

Công tác bảo vệ trẻ em cần hướng đến phòng ngừa là chính, sau đó mới đến hỗ trợ và can thiệp. Nhận diện vấn đề xâm hại/bạo lực trẻ em cần nâng cao nhận thức và kiến thức cho tất cả các bên và trong cộng đồng xã hội, bởi không nhận diện rõ thì khó xác định được hành vi bạo lực, gồm: thể xác, tình dục, tinh thần. Đặc biệt, các hình thức xâm hại/bảo lực trẻ em hiện nay phổ biến được xác định, gồm: hiếp dâm, sàm sỡ, buông lời cợt nhã, bắt chịu nhục hình, bắt nạt hoặc chửi bới thậm tệ.

Theo ông Vương Đình Giáp, Giám đốc thực hiện Chương trình Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, các vụ việc xâm hại/bạo lực trẻ em cũng là một trong những lý do Tổ chức Cứu trợ trẻ em luôn xem các Dự án về trẻ em là trọng tâm, cụ thể là Dự án “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em bị tổn thương” đang triển khai một số hoạt động cấp thành phố và quốc gia. Trẻ em lớn lên trong môi trường tương tác với gia đình, trường học và cộng đồng, nên trong khuôn khổ Dự án sẽ chuyển giao mô hình, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng ra nhiều đơn vị, tổ chức khác.

Em Đào Thị Yến Nhi, học sinh lớp 8, Trường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mô hình đối thoại học đường thuộc khuôn khổ Dự án “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em bị tổn thương” đang triển khai là giải pháp rất cần thiết đối với cả học sinh, phụ huynh và nhà trường, vì cung cấp những thông tin bổ ích cũng như thúc đẩy xây dựng môi trường học đường thân thiện.

Ngoài ra, mô hình này còn tạo ra môi trường gặp gỡ trực tiếp và là dịp để các học sinh chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình đối với ba mẹ, thầy cô để nhận được những góp ý trong quá trình học tập và hoàn thiện bản thân./.

>>> Vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy: Không để tái diễn các vụ việc tương tự

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục