Nhận diện khó khăn của doanh nghiệp dệt may

18:56' - 18/12/2022
BNEWS Trong chuỗi giá trị ngành may mặc, Việt Nam là nước gia công nên biên lợi nhuận thấp. Chi phí nhân công đang tăng mạnh do cạnh tranh.

Nhu cầu suy giảm, tồn kho cao, chi phí nhân công tăng, lỗ tỷ giá… là những khó khăn mà doanh nghiệp ngành dệt may đã và đang phải đối diện. Thực tế, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may đang có dấu hiệu chậm lại.

 

CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã chỉ ra những khó khăn của ngành dệt may. VFS cho biết, giá nguyên liệu đầu vào giảm tuy nhiên giá bán giảm theo nên biên lợi nhuận gộp không được cải thiện, trong khi đó lỗ tỷ giá tăng mạnh. Chi phí nhân công tăng cao trong môi trường cạnh tranh làm các doanh nghiệp mất dần lợi thế.

Nhu cầu tại 2 thị trường lớn nhất là Mỹ (lạm phát) và EU (khủng hoảng năng lượng) sụt giảm trong khi lượng hàng tồn kho cao, nhiều đơn hàng bị hủy. Sức mua khó hồi phục trong vòng 1 năm tới.

Trong chuỗi giá trị ngành may mặc, Việt Nam là nước gia công nên biên lợi nhuận thấp. Chi phí nhân công đang tăng mạnh do cạnh tranh.

Theo VFS, khó khăn của ngành dệt may càng rõ nét trong những tháng cuối năm. Báo cáo cập nhật ngày 25/11 ngành dệt may của công ty chứng khoán này cho biết, sức mua của 2 thị trường  chính của sản phẩm diệt may của Việt Nam là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có sự sụt giảm đáng kể, trong khi đó lượng hàng tồn kho cao.

Nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị hủy trong quý III và quý IV. Cùng đó, đơn đặt hàng tiếp tục sụt giảm, các thị trường chính của Việt Nam có số lượng đơn hàng giảm rõ rệt. Cụ thể, số lượng đơn hàng ở châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%. Nguyên nhân do lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%. Trong khi đó, nhiều khách hàng ép giá do hàng tồn kho cao nên các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận mức giá thấp.

Nhiều doanh nghiệp đóng dây chuyền, cắt giảm nhân công để giảm chi phí do việc thiếu đơn hàng. Với việc lượng hàng tồn kho vẫn ở mức cao cùng với nhu cầu sụt giảm do lạm phát, VFS cho rằng, ngành dệt may không chỉ khó khăn trong các tháng cuối năm 2022 mà sang cả năm 2023 doanh nghiệp vẫn chưa hết khó. Khó khăn chỉ kết thúc khi nhu cầu sử dụng hàng may mặc hồi phục trở lại ở các thị trường chính như Hoa Kỳ, châu Âu...

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), mảng may mặc dù có sự tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu nhưng có dấu hiệu chậm lại. Trong tháng 11 và 11tháng năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam ước đạt 2,85 tỷ USD, giảm 6,4% cùng kỳ và 34,6 tỷ USD tăng 18,7% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất mảng may mặc tiếp tục chậm lại trong tháng 11 khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 và 11tháng năm 2022 tăng lần lượt 2,2% và 16,4% so với cùng kỳ.

Trước đó, IPP tháng 10 và 10 tháng năm 2022 tăng tới 5,5% và 19,2% cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động ngành may mặc tính đến đầu tháng 11 đi ngang so với tháng trước và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc sản xuất có dấu hiệu giảm tốc có thể do tháng 10 là thời điểm bắt đầu nới lỏng việc phong tỏa, hoạt động sản xuất trở lại khiến tăng trưởng không cao như trong quý III; các đơn hàng bắt đầu đến chậm hơn do lo ngại về một đợt suy thoái trong năm 2023, khiến cho các công ty trong ngành giảm hoạt động sản xuất.

Đối với mảng sợi, xuất khẩu và sản xuất tiếp tục đà giảm. Giá trị xuất khẩu sợi tháng 11 và 11 tháng năm 2022 ước đạt 227 triệu USD giảm tới 45,9% so với cùng kỳ và 4,4 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm so với mức tháng 10 và 10 tháng 2022 lần lượt là 34,3% cùng kỳ và 10,6% cùng kỳ. Xét về lượng, xuất khẩu sợi trong tháng 11 và 11 tháng năm 2022 ước đạt 110 nghìn tấn giảm 30% so với cùng kỳ và 1,43 triệu tấn giảm 14,1% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất mảng dệt trong cũng sụt giảm. Cụ thể, IIP mảng dệt 11 tháng năm 2022 ước tính ở mức giảm 1,9% cùng kỳ. Trước đó, IIP 10 tháng tăng 3,7% so với cùng kỳ. Số liệu chính thức trong tháng 10 cho thấy IIP mảng dệt ghi nhận tăng 1% so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đã chỉ ra những rủi ro với lĩnh vực dệt may, đó là việc kiên trì theo đuổi chính sách giãn cách nhằm kiểm soát dịch COVID và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến thị phần hàng dệt may Trung Quốc tại Mỹ liên tục giảm, hoạt động sản xuất trang phục cũng đi xuống do lo ngại về suy thoái khiến đơn hàng dệt may chậm lại, kéo theo nhu cầu của sợi suy giảm.

Nhu cầu về hàng dệt may trên thế giới bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế kém khả quan trong bối cảnh lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ở mức cao; các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất và giá khí đốt tăng cao vì cuộc chiến Ukraine. Giá cotton cuối tháng 11 tiếp tục đà giảm về mức quanh 80$/lb (đơn vị đo khối lượng truyền thống của Anh) cho thấy tín hiệu về nhu cầu sụt giảm của chuỗi cung ứng ngành.

Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2022, ngành dệt may Việt Nam ước đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Ngành dệt may Việt Nam đang xuất khẩu sang khoảng 66 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, với 55 mặt hàng chủ lực. Việt Nam cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2023 đạt từ 47 - 48 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn thách thức như dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm trên cả thị trường trong nước và thị trường các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Cùng đó, đồng tiền ở một số nước nhập khẩu số lượng lớn có xu thế mất giá cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch VITAS, Trưởng ban Phát triển bền vững cho biết, dự kiến trong năm 2023, VITAS sẽ tiếp tục kiến nghị các chính sách với cơ quan chức năng để giúp doanh nghiệp dệt may phát triển nhanh và mạnh hơn. Đồng thời,  tăng cường phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp dệt may với những chuyên gia, công nghệ, vốn...

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), "mùa Đông" đang đến với ngành dệt may khi chứng kiến số lượng đơn hàng tiếp tục giảm sút. Theo Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS), ngành dệt may sẽ đối mặt với sự sụt giảm mạnh đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chính, ít nhất là cho đến nửa đầu năm tài chính năm 2023, trong bối cảnh lượng hàng tồn kho ở mức cao và lạm phát cao làm giảm tiêu thụ toàn cầu.

VITAS cũng cho biết rằng các doanh nghiệp dệt may trong nước phải cắt giảm 10%-15% sản lượng và buộc phải cắt giảm lao động kể từ đầu quý III năm 2022. Trong khi đó, nhiều công ty cho biết giá trị đơn hàng đang phải chịu áp lực giảm giá từ các nhà bán lẻ nước ngoài.

KIS đánh giá triển vọng của ngành là kém khả quan trong tháng 12 và nửa đầu năm tài chính 2023 khi số lượng đơn hàng vẫn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do nhu cầu toàn cầu suy giảm đối với các sản phẩm may mặc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục