Nhận diện triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2018

10:59' - 20/07/2018
BNEWS Kinh tế Việt Nam bước vào quý II với không ít hứng khởi và kỳ vọng. Những chuyển biến về cải thiện môi trường kinh doanh trong những quý trước ít nhiều đã củng cố niềm tin của thị trường.
Kinh tế Việt Nam: cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN 

Sáng 20/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo "Kinh tế Việt Nam: cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động" nhằm cập nhật triển vọng kinh tế vĩ mô cả năm 2018. Đồng thời, kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế và giải pháp chính sách cho quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm 2018 và các năm tiếp theo.
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% trong 6 tháng đầu năm và là mức cao nhất trong cùng thời gian này kể từ năm 2011. Kết quả này giúp giảm áp lực điều hành trong 6 tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. GDP thực tế vẫn cao hơn so với xu thế; tăng trưởng GDP cũng chưa có dấu hiệu “quá nóng”.
Ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban Ban chính sách Kinh tế vĩ mô cũng cho biết, kinh tế Việt Nam bước vào quý II với không ít hứng khởi và kỳ vọng. Những chuyển biến về cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế song song với ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong những quý trước ít nhiều đã củng cố niềm tin của thị trường.
Tuy nhiên, kết quả kinh tế - xã hội trong quý IV/2017 và quý I/2018 còn nhận được một vài ý kiến nghi ngại, đặc biệt là về chất lượng tăng trưởng và áp lực lạm phát. Rủi ro suy giảm kinh tế cũng được đề cập nhiều hơn, chủ yếu là lo ngại về diễn biến chu kỳ tăng trưởng và diễn biến khó lường của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Nhiều ý kiến cho rằng, nửa đầu năm 2018 đã trôi qua với không ít điểm sáng trong diễn biến kinh tế - xã hội. Đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, gắn với chuyển biến về môi trường kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài được củng cố. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không dựa vào mở rộng tiền tệ; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Tăng trưởng kinh tế chưa kéo theo áp lực lạm phát theo chu kỳ do ít có tác động của mở rộng tiền tệ và tài khóa.
So với những lần khủng hoảng trước, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới. Tuy nhiên, không ít băn khoăn vẫn hiện hữu; trong đó phải kể đến mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng còn chưa thực sự rõ nét. Áp lực lạm phát còn hiện hữu, khả năng duy trì đà cải cách kinh tế vi mô nói chung và cải cách môi trường kinh doanh nói riêng là một dấu hỏi lớn.
Nhận định về tình hình kinh tế những tháng cuối năm, ông Nguyễn Ánh Dương cho rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường. Các tranh chấp địa chính trị vẫn hiện hữu ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương. Lộ trình tăng lãi suất ở Mỹ có thể bất định hơn.
Bên cạnh đó, việc hoàn tất các thủ tục cho phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do có thể kéo theo một số tác động tích cực đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. “Trong chừng mực ấy, diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam phụ thuộc đáng kể vào cách thức thúc đẩy tăng trưởng, điều hành giá cả, cải thiện thực chất môi trường kinh doanh và xử lý các điểm nghẽn của mô hình tăng trưởng”, ông Dương nhấn mạnh.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, ông Nguyễn Đình Cung nhắc lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.
Hầu hết các ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo kiến nghị về cải cách nền tảng kinh tế vi mô cần song song với các biện pháp kinh tế vĩ mô và một số biện pháp liên quan như: chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả, tiền lương, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục