Nhận định chứng khoán tuần từ 14-18/5: Thanh khoản là yếu tố xác định xu hướng thị trường

10:53' - 13/05/2018
BNEWS Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 18,05 điểm lên 1.044,85 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,2%) lên 122,77 điểm. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm và ở mức thấp
Thanh khoản tiếp tục sụt giảm và ở mức thấp trong tuần giao dịch vừa qua. Ảnh: TTXVN
Thị trường chứng khoán tuần qua hồi phục trong “nghi ngờ” với thanh khoản rất thấp. Giới phân tích cho rằng, thanh khoản vẫn thấp cho thấy sự hồi phục chưa tạo ra được một bước đà thực sự để thị trường có thể tăng vững chắc trong tuần giao dịch tới và rủi ro điều chỉnh của thị trường vẫn hiệu hữu.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 18,05 điểm lên 1.044,85 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,2%) lên 122,77 điểm. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm và ở mức thấp với chỉ trung bình hơn 5.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE là 25.114 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch đạt 817 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX là 3.568 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch đạt 246 triệu cổ phiếu.

Thị trường hồi phục nhẹ là do lực kéo của nhiều mã thuộc nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS tăng tới 13,4%, VJC tăng 7,9%, ROS tăng 10%, HPG tăng 3,2%, SAB tăng 7,8%, BVH tăng 7,9%,…

Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến tăng giá của các mã cổ phiếu này có thể thấy, sự tăng trưởng này rõ ràng là không ổn định, không tạo thanh một xu thế tăng vững chắc. Chẳng hạn như GAS có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen nhau, trong khi khối lượng khớp lệnh cũng rất thấp. Thanh khoản nhiều nhất của GAS là vào ngày giao dịch 10/5 cũng chỉ đạt 870.000 cổ phiếu. Đây là một con số khá ít ỏi.

VJC cũng vậy, cổ phiếu này tăng 3 ngày đầu tuần và giảm liên tiếp vào 2 ngày cuối tuần, mức thanh khoản của cổ phiếu này còn thấp hơn của GAS. Tương tự, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn có mức tăng trưởng tốt nhất thị trường cũng đang giao dịch với thanh khoản rất thấp.

Có vẻ như sự tăng trưởng của những cổ phiếu vốn hóa lớn là không vững chắc, khi dòng tiền giải ngân vào những cổ phiếu này thấp trong cả những phiên tăng giá và giảm giá. Chính điều này làm cho thị trường đang rất “chông chênh” khi không có sự ủng hộ của dòng tiền lớn.

Đơn cử, trong phiên giao dịch cuối tuần qua (phiên 11/5), khi VN- Index tăng gần 16 điểm và HNX- Index tăng 1,82 điiểm nhưng thanh khoản lại sụt giảm mạnh và đạt ở mức rất thấp, hơn 4.741 tỷ đồng.

Thị trường tăng mà dòng tiền lại giảm là do nhà đầu tư còn nghi ngờ, chưa tin thị trường hồi phục thật sự. Có lẽ cả nhà đầu tư mới và cũ đang trong tâm lý chờ đợi một xu hướng rõ ràng hơn từ thị trường.

Hơn nữa, tuần tới, chưa có nhiều thông tin hỗ trợ đủ mạnh để đảm bảo rằng thị trường có thể tăng trưởng một cách chắc chắn.

Nếu xét đến từng nhóm ngành cổ phiếu thì nhóm ngân hàng rất có vị thế trong rổ VN-Index, khi chiếm khoảng 25% tỷ trọng vốn hóa thị trường. Thực tế, thị trường biến động mạnh trong giai đoạn vừa qua cũng là do sự điều chỉnh của nhóm ngân hàng.

Tuần qua, diễn biến của các mã cổ phiếu ngân hàng chủ yếu là giằng co quanh mốc tham chiếu, chưa có tín hiệu rõ ràng nào đảm bảo rằng nhóm ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh và dẫn dắt thị trường vào tuần tới.

Cụ thể, tuần qua, nhiều cổ phiếu trong nhóm ngân hàng có diễn biến trái chiều, với các mức tăng, giảm nhẹ đan xen như: CTG tăng 3,2%, BID 4,6%, ACB tăng 0,9%, trong khi VPB giảm 1,3%, SHB giảm 2,8%. MBB giảm 0,5%, VCB giảm 1,9%.

Ở chiều tích cực, nhóm cổ phiếu dầu khí có đóng góp lớn vào sự hồi phục của thị trường chung, với nhiều mã trụ cột trong nhóm tăng giá mạnh như: POW tăng 2,1%, BSR tăng 7,6%, OIL tăng 8,4%, PVB tăng 8,6%, PVD tăng 2,5%, PVS tăng 7,9%, PVC tăng tới 13,1%.

Mặc dù cổ phiếu dầu khí có thanh khoản khá thấp, nhưng thực tế là thị giá của nhiều mã cổ phiếu này đã tăng mạnh mẽ cùng với sự đi lên của giá dầu thế giới. Có lẽ, dòng cổ phiếu này còn được hỗ trợ tích cực từ triển vọng tươi sáng của giá dầu thế giới trong thời gian tới.

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã giúp thị trường dầu mỏ hưởng lợi, khi tâm lý lo ngại nguồn cung dầu toàn cầu bị thu hẹp đã đẩy giá dầu đi lên. Cùng với đó, tình hình chính trị ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại những nước xuất khẩu dầu mỏ, đã đẩy giá dầu thô Brent Biển Bắc trong tuần qua tăng khoảng 60% so với tháng 6/2017, lên ngưỡng 77 USD/thùng.

Theo giới phân tích, không loại trừ khả năng giá dầu thô có thể chạm mức 100 USD/thùng trong thời gian tới, thậm chí 150 USD/thùng.

Thực tế, sự hồi phục của thị trường dựa vào những mã cổ phiếu bluechip (những cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường và là những cổ phiếu nhận được nhiều quan tâm nhất của toàn bộ giới đầu tư chứng khoán) và nhóm dầu khí trên nền tảng thanh khoản tiếp tục suy giảm. Việc dòng tiền vẫn đang đứng ngoài quan sát, chưa tham gia vào thị trường có thể khiến sự hồi phục này trở nên “mong manh”.

Cùng với sự thận trọng của nhà đầu tư trong nước thì giao dịch của vốn ngoại cũng đang là điều đáng lo ngoại.

Mặc dù tuần qua, trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 232 tỷ đồng, nhưng việc khối ngoại mua ròng lại chủ yếu dựa vào VIS. VIS là mã cổ phiếu đã làm méo mó bản chất mua bán ròng của khối ngoại.

Tuần qua, VIS đã được khối ngoại mua ròng thỏa thuận hơn 33,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị là 1.146,4 tỷ đồng và toàn bộ giao dịch này được thực hiện trong phiên ngày 10/5/2018.

Như vậy, nếu loại trừ đi giao dịch của VIS thì khối ngoại sàn HOSE thực chất là vẫn bán ròng lên đến 914 tỷ đồng.

Tại sàn HNX, khối ngoại cũng bán ròng tới 210,6 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 10,9 triệu cổ phiếu.

Thanh khoản thấp, nhà đầu tư bán ròng mạnh đang khiến thị trường khó đoán định và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng thị trường chỉ thực sự rõ nét khi có sự xác nhận của thanh khoản.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC, thanh khoản thấp đang khiến cho xu hướng qua từng phiên của chỉ số VN-Index không thật sự đáng tin cậy. Nhiều khả năng diễn biến này sẽ tiếp tục duy trì trong các phiên đầu tuần tới. Xu hướng chỉ thực sự rõ nét khi có sự xác nhận của thanh khoản.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC cho rằng, các chỉ số phục hồi khá mạnh sau phiên bán tháo trước đó. Thanh khoản vẫn ở mức rất thấp, phản ánh tâm lý e ngại vẫn đang bao trùm. Cả hai chỉ số vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm, do vậy việc giải ngân trong thời điểm này chỉ nên mang tính chất thăm dò và hạn chế sử dụng đòn bẩy.

Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS) nhận định, mặc dù tương quan cung cầu đang có những dấu hiệu cân bằng trong vùng giá này nhưng nếu dòng tiền vào thị trường không tăng lên trong tuần tiếp theo thì triển vọng của thị trường vẫn chưa thể sáng sủa. Với tình hình thị trường như hiện tại thì giai đoạn giằng co tăng giảm đan xen với thanh khoản thấp có thể tiếp diễn.

SHS sự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (14- 18/5), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.000-1.070 điểm (đáy phiên 3/5-đỉnh phiên 8/5)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục