Nhận định chứng khoán tuần từ 2- 6/4: Tích lũy đi ngang?

15:00' - 01/04/2018
BNEWS Nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định khá thận trọng; trong đó thiên về quan điểm thị trường tiếp tục đi ngang tích lũy trong tuần giao dịch tới.
Nhận định chứng khoán tuần từ 2- 6/4: Tích lũy đi ngang? Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Giằng co, rung lắc mạnh, thanh khoản sụt giảm, phân hóa mạnh là những diễn biến nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam tuần từ 26-30/3.

Thị trường tiếp tục đi lên, thậm chí VN-Index còn vươn tới mức cao lịch sử mới trong tuần qua tại 1.187,42 điểm trong phiên 27/3.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 20,87 điểm lên 1.174,46 điểm, đây là tuần thứ 7 liên tiếp VN-Index tăng điểm; HNX-Index tăng 0,58 điểm lên 132,46 điểm.

Mặc dù các chỉ số tiếp tục đi lên, nhưng thị trường vẫn chưa hút được dòng tiền trở lại khi mà thanh khoản hai sàn vẫn đang ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 7.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí đã suy yếu rất nhiều với số phiên giảm điểm và số mã giảm điểm trong tuần chiếm ưu thế.

Thực tế, nhóm dầu khí giảm mạnh nhất tuần qua với các đại diện quan trọng đều chìm trong sắc đỏ trong hầu hết các phiên giao dịch. Kết tuần, cổ phiếu PVD (Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí) giảm 14,3%, PVS (Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) giảm 19,8%, PVB (Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam) giảm 4,8%, PVC (Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí-CTCP) giảm 13,5%.

Nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường là ngân hàng cũng bị chốt lời và phân hóa khá mạnh với phần lớn các mã đều giảm nhẹ như: CTG (Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam) giảm 1%, MBB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội) giảm 2,3%, STB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín) giảm 1,6%, LPB (Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt) giảm 3,2%.

Một điểm đáng chú ý đó là việc khối ngoại liên tục bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX.

Tính chung cả tuần, tổng khối lượng khối ngoại bán ròng đạt hơn 11 triệu cổ phiếu, trị giá 305,5 tỷ đồng.

Có thể nhận thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần giao dịch qua đón nhận nhiều thông tin rất tốt. Đơn cử như việc tăng trưởng kinh tế Quý I/2018 đạt 7,38%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã tổ chức họp đại hội cổ đông và có báo cáo kết quả kinh doanh Quý I rất tốt.

Tất cả những điều trên tưởng chừng sẽ giúp ích nhiều cho thị trường bật tăng mạnh, nhưng thực tế thị trường không có mấy chuyển biến.

Ví dụ điển hình là nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng ngày càng suy yếu mặc dù có thông tin tốt hỗ trợ.

Giới chuyên gia cho rằng có lẽ những thông tin tốt đã được phản ánh vào giá giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán đã có thời gian tăng trưởng mạnh trước đó.

Nhiều nhà đầu tư lớn đã bán chốt lời trước khi công ty công bố thông tin chính thức về kết quả kinh doanh Quý I.

Diễn biến của thị trường cho thấy, sự phục hồi của VN- Index hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc vào những mã cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhưng sự phân hóa cũng đang diễn ra mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Việc tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn của nhà đầu tư ngày càng trở lên khó khăn hơn, khi mà độ rộng thị trường bị thu hẹp, diễn biến của thị trường không mấy tích cực, ngay cả trong những phiên tăng điểm.

Thực tế, giữa các nhóm cổ phiếu, hay ngay trong nội tại một nhóm ngành cổ phiếu cũng diễn ra sự phân hóa mạnh.

Đặc biệt, các cổ phiếu này lại luân phiên tăng giảm xen kẽ giữa các phiên giao dịch, vì vậy trong thời gian này những nhà đầu tư ngắn hạn có lẽ khó chọn cổ phiếu để giải ngân.

Chính vì vậy, nhà đầu tư đang trở lên lưỡng lự. Sự sụt giảm của thanh khoản trong tuần qua cho thấy điều đó.

Thiếu vắng lực đẩy từ dòng tiền, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể tiếp tục phân hóa mạnh, cùng với sự suy yếu của nhóm ngân hàng, dầu khí, có lẽ chưa nên kỳ vọng nhiều vào khả năng thị trường tăng trưởng mạnh trong tuần sau.

Thực tế, chỉ số VN30 (30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường) trong phiên 29/3 giảm điểm, nhưng tổng mức thanh khoản của 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường này rất thấp.

Điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư lớn vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và chưa có ý định bán chốt lời. Vì vậy, kịch bản thị trường giảm điểm mạnh có lẽ cũng ít có khả năng xảy ra trong tuần tới.

Bên cạnh đó, những thông tin về đại hội cổ đông, hay chia cổ tức đáng lẽ phải giúp thị trường sôi động hơn, nhưng rõ ràng là khối lượng giao dịch của thị trường chưa có nhiều đột biến, chứng tỏ thị trường nhiều khả năng chưa có biến động mạnh.

Giới chuyên gia và đầu tư cho rằng, kịch bản thị trường đi ngang để chờ xu hướng tiếp theo có thể là hợp lý cho diễn biến giao dịch tuần tới.

Với những thông tin có thể tác động đến thị trường, cùng diễn biến của thị trường chứng khoán tuần giao dịch vừa qua, nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định khá thận trọng; trong đó thiên về quan điểm thị trường tiếp tục đi ngang tích lũy trong tuần giao dịch tới.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng, thanh khoản thị trường sụt giảm đáng kể trong tuần vừa qua.

Các thông tin về kế hoạch kinh doanh trong năm 2018 từ các buổi đại hội cổ đông vẫn chưa tạo được một cú hích trên diện rộng, cộng thêm sự chững lại của nhóm ngân hàng trong thời gian gần đây khiến VDSC thiên về khả năng chỉ số vẫn tiếp tục “lình xình” quanh mốc này.

Công ty cổ phần chứng khoán Phú Hưng - PHS nêu quan điểm, dòng tiền đang có sự thận trọng nhất định, do đó kịch bản tích cực hiện tại của chỉ số VN-Index có thể sẽ vận động đi ngang tích lũy trong biên độ 1.150-1.200 điểm trong tuần tới.

Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tương tự. Nhìn chung, xu hướng chính của thị trường có thể vẫn là phục hồi.

Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ vận động giằng co mang tính củng cố cho xu hướng chính, trước khi có sự bứt phá lên thử thách các ngưỡng kháng cự cao hơn.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (02/04-06/04), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến ngưỡng tâm lý mạnh tiếp theo tại 1.200 điểm trong trạng thái rung lắc giữa các phiên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục