Nhận định chứng khoán tuần từ 27–31/ 8: Kỳ vọng kịch bản thị trường đi lên

10:24' - 26/08/2018
BNEWS Với kịch bản thị trường chung đang trên đà hồi phục, thì nhóm cổ phiếu chứng khoán có lẽ cũng tiếp tục tăng trưởng theo diễn biến của thị trường chung.
Một phiên đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Thị trường tiếp tục có tuần thứ 6 liên tiếp đi lên trong giằng co và rung lắc. VN-Index đã có 4/5 phiên tăng điểm và kết thúc tuần giao dịch (từ 20 – 24/8) tăng 1,9% đạt 987,05 điểm; HNX-Index tăng 3,3% lên 111,62 điểm.

Thanh khoản có sự sụt giảm nhẹ với trung bình khoảng 4.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn cho thấy sự thận trọng đang gia tăng.

Diễn biến thị trường cũng cho thấy, bên mua vẫn chiếm ưu thế, giúp số mã giá xanh vẫn nhiều hơn số mã giá đỏ trong các phiên giao dịch. Áp lực chốt lời mạnh chỉ xuất hiện khi cổ phiếu ở trong vùng giá cao.

Diễn biến tiêu cực nhất tuần qua của thị trường là vào phiên cuối tuần, khi màu đỏ bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến chỉ số VN - Index lùi xuống dưới tham chiếu trong cả phiên sáng.

Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần, VN- Index chỉ giảm rất nhẹ 0,03%, tương ứng với 0,31 điểm, trong khi HNX- Index lại tăng tới 1%, tương ướng với 1,1 điểm.

Việc VN- Index giảm điểm trùng với thời điểm thông tin cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung quốc đã kết thúc sau 2 ngày mà không có kết quả đột phá nào, khiến lý do thị trường chứng khoán Việt Nam giảm do ảnh hưởng cuộc đàm phán càng trở lên hợp lý.

Tuy nhiên, rõ ràng VN – Index đã có 6 ngày tăng điểm liên tiếp nên việc điều chỉnh cũng là dễ hiểu.

Thực tế, động thái đánh thuế tiếp theo của Mỹ và Trung Quốc đối với hàng hóa của nhau cũng như bất ổn chính trị mới đây ở Mỹ đã không tác động quá lớn đến các thị trường chứng khoán thế giới, đã không có “cú sụt” mạnh đáng kể nào diễn ra từ tác động của những thông tin trên.

Ngược lại, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn có mức tăng trưởng tốt.

Đơn cử, tại thị trường chứng khoán Mỹ, tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,47%, chỉ số S&P 500 tăng 0,87% và chỉ số Nasdaq tăng 1,66%.

Tại thị trường chứng khoán trong nước, hiện tượng giao dịch giằng co và rung lắc vẫn diễn ra, nhưng kết quả cuối cùng là các chỉ số vẫn kết tuần trong sắc xanh.

Điều này cho thấy tâm lý không quá kỳ vọng vào việc thị trường tăng cao, nhưng nhà đầu tư cũng khá tự tin vào sự ổn định của thị trường trong ngắn hạn.

Hiện tại, thị trường đang rơi vào “vùng trũng” thông tin khi những thông tin trong nước và thế giới chưa có gì mới.

Tuy nhiên, với diễn biến của nội tại thị trường, có lẽ nên kỳ vọng vào một kịch bản thị trường tiếp tục đi lên sau khi có những phiên điều chỉnh giảm đầu tuần tới.

Diễn biến của thị trường cho thấy, hầu hết cổ phiếu của các nhóm ngành trụ cột trong tuần qua đều đồng thuận tăng giá. Đây được coi là yếu tố tích cực của thị trường hiện tại.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng nhẹ trong tuần qua, với hầu hết các cổ phiếu trụ cột trong nhóm ở chiều tăng giá như: CTG tăng 0,4%, BID tăng 7,4%, MBB tăng 0,4%, STB tăng 0,9%, TCB tăng 0,4%, ACB tăng 5,4%, SHB tăng 1,2%...

Những diễn biến hiện tại của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ủng hộ xu thế tăng trưởng của nhóm này, mặc dù hiện tượng giằng co, rung lắc có thể tiếp tục tại các mã cổ phiếu trong nhóm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng trưởng cùng chiều với thị trường chung với nhiều mã cổ phiếu chính tăng giá như: SSI tăng 1,7%, HCM tăng 2,6%, VCI tăng 1,4%, VND tăng 7%, SHS tăng 1,4%...

Với kịch bản thị trường chung đang trên đà hồi phục, thì nhóm cổ phiếu chứng khoán có lẽ cũng tiếp tục tăng trưởng theo diễn biến của thị trường chung.

Nhóm cổ phiếu dầu khí chính là nhân tố nâng đỡ và “dẫn sóng” thị trường với các mã tăng mạnh như: GAS tăng 5,5%, PVD tăng 11,1%, PVS tăng 8,9%, PVB tăng 5,5%...

Trong tuần tới, cùng với diễn biến của thị trường chung có thể vẫn sẽ tích cực và xu thế đi lên của giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí được nhận định là còn nhiều cơ hội tăng trưởng.

Thực tế, tuần qua giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng hơn 4%, sau bảy phiên giảm liên tiếp, còn giá dầu Brent tăng 5,3%, sau ba tuần đi xuống.

Một yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán đó là vấn đề khối ngoại mua, bán ròng. Trong tuần qua, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng nhưng mức độ bán ròng đã giảm đi nhiều.

Cụ thể, tính chung trên cả 2 sàn niêm yết, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 23,4 tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 51,5 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 28,1 tỷ đồng.

Dưới góc nhìn của các công ty chứng khoán, mặc dù thị trường còn ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng dấu hiệu của sự kết thúc xu hướng hồi ngắn hạn vẫn chưa thực sự xuất hiện.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, trên đà tăng của thị trường, những rung lắc sẽ xảy ra nhiều hơn mà nhất là quanh ngưỡng tâm lý mạnh 1.000 điểm. Dấu hiệu của sự kết thúc xu hướng hồi ngắn hạn này vẫn chưa thực sự xuất hiện.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (27 - 31/8), VN - Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với mục tiêu tiếp theo lần lượt tại 990 điểm (MA50 tuần) và 1.000 điểm (MA20 tuần).

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC nhận định: "Mức điểm hướng đển tiếp theo của chỉ số VN-Index là vùng 996-1010 điểm. Tuần tới, ngoài sự cầm nhịp của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể quan tâm đến các cổ phiếu midcaps đã có giai đoạn tích lũy khá lâu, đang có dấu hiệu hút được sự quan tâm của dòng tiền".

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC nêu quan điểm: "Các chỉ số tiếp tục biến động trong biên độ hẹp nhưng theo chiều hướng ổn định, cho thấy trạng thái thị trường đang tương đối cân bằng. Các cổ phiếu đang có sự phân hóa mạnh và tăng giảm không phụ thuộc nhiều vào thị trường chung."./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục