Nhân rộng mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng

17:53' - 26/10/2022
BNEWS Cả nước hiện có hơn 36.800 cán bộ làm khuyến nông và khoảng 3.000 câu lạc bộ khuyến nông với số lượng hàng trăm nghìn nông dân ở các vùng, miền trong cả nước.

Ngày 26/10, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức "Tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng tại An Giang".

Cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở

Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Viết Khoa, Trưởng Phòng Đào tạo, huấn luyện – Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, cả nước hiện có hơn 36.800 cán bộ làm khuyến nông và khoảng 3.000 câu lạc bộ khuyến nông với số lượng hàng trăm nghìn nông dân ở các vùng, miền trong cả nước.

Theo TS. Nguyễn Viết Khoa, thời gian qua, ngành khuyến nông đã có những đóng góp rất tích cực và quan trọng trong sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. Khuyến nông là cầu nối giữa nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với người nông dân và thị trường; là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thời gian qua, đã có 33/63 tỉnh, thành phố tiến hành sắp xếp lại Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh. Có 2 tỉnh giải thể Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh; 36/63 tỉnh đã tiến hành hợp nhất Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y để thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện. Một số tỉnh, thành đã giải thể đội ngũ khuyến nông viên cấp xã, cộng tác viên khuyến nông thôn, ấp… Điều này đã gây nên tình trạng "đứt gãy" hệ thống khuyến nông, làm hệ thống suy yếu và thiếu tính liên kết bền vững.

Trước thực trạng này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng" và được triển khai thí điểm ở một số địa phương như An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp,…

Đến nay, cả nước đã thành lập được 26 Tổ khuyến nông cộng đồng, riêng tỉnh An Giang có 10 Tổ khuyến nông cộng đồng. Các Tổ khuyến nông cộng đồng này đều thuộc hệ thống khuyến nông, nhưng được củng cố, kiện toàn và nâng chất hệ thống khuyến nông theo hướng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.

Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, cán bộ khuyến nông cơ sở đã có nhiều ý kiến trao đổi cũng như chia sẻ kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động, của tổ khuyến nông cộng đồng. Đồng thời, kiến nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và sớm có hướng dẫn cụ thể, cũng như xây dựng "bộ khung" cơ bản của Tổ khuyến nông cộng đồng để các địa phương có cơ sở để triển khai nhân rộng…

Bên cạnh đó, việc thực hình thành các Tổ khuyến nông cộng đồng nhằm cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở, trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông. Đồng thời thí điểm cung cấp nhiều công năng của Tổ khuyến nông cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo 4 nhóm hoạt động gồm: Tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; tư vấn, hỗ trợ hình thành các hợp tác xã nông nghiệp; phát triển thị trường liên kết sản xuất; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các hợp tác xã...

Ông Phan Huy Hùng, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết, hiện ở Thoại Sơn đã thành lập 6 Tổ khuyến nông cộng đồng với 24 người cán bộ chuyên trách ở các ngành quản lý như: thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, thú y… Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các tổ này còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, ông Hùng đề nghị, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thời gian tới cần đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật chuyên sâu hơn cho các Tổ khuyến nông cộng đồng ở cơ sở.

Bên cạnh đó, cần đầu tư, gắn kết với các tổ chức đoàn thể và hợp tác xã tại địa phương, giúp Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả hơn.

Đa dạng hóa chức năng khuyến nông

Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, khuyến nông cộng đồng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng một nền "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh" mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã quyết định thành lập thí điểm 10 Tổ khuyến nông cộng đồng và ban hành quy chế hoạt động của tổ nhằm thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình khuyến nông cộng đồng.

"An Giang rất kỳ vọng, sau khi các Tổ khuyến nông cộng đồng đi vào hoạt động sẽ giúp tạo ra bước đột phá mới cho việc phát nông nghiệp của địa phương trong giai đoạn tới" - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ nhấn mạnh.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh khẳng định, ngành Khuyến nông tiếp tục giữ vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp số, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới, ông Lê Quốc Thanh cho rằng, khuyến nông cần phải được kiện toàn về tổ chức, nhất là khuyến nông cơ sở theo mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng.

Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình hoạt động khuyến nông, phát triển dịch vụ khuyến nông theo hướng xã hội hóa, tích hợp đa giá trị nhằm tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho các đối tượng tham gia khuyến nông.

Lấy hợp tác xã nông nghiệp là nền tảng để chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ hình thành phát triển hợp tác xã (vận động, tư vấn thành lập hợp tác xã, tư vấn tổ chức sản xuất), thông tin thị trường, liên kết sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số….hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục