Nhân tố mới chi phối thị trường vàng thế giới tuần qua

12:26' - 11/08/2018
BNEWS Giới chuyên gia nhận định giá vàng có mối liên hệ khá mật thiết với đồng NDT trong những tuần gần đây, với việc đồng nội tệ của Trung Quốc phản ánh những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Giá vàng có mối liên hệ khá mật thiết với đồng NDT trong những tuần gần đây. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ngoài sự biến động của đồng USD, tỷ giá của đồng NDT được đánh giá là một nhân tố mới chi phối thị trường vàng thế giới tuần qua.

Giới chuyên gia nhận định giá vàng đã có mối liên hệ khá mật thiết với đồng NDT trong những tuần gần đây, với việc đồng nội tệ của Trung Quốc phản ánh những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Tính chung cả tuần, giá kim loại quý này không có nhiều thay đổi, sau khi ghi nhận bốn tuần giảm giá liên tiếp trước đó.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (6/8), giá vàng đi xuống, trước sự tăng giá của đồng USD và đồn đoán về đợt tăng lãi suất tiếp theo của Mỹ. Trong một tuyên bố, một quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tái khẳng định tiến trình nâng lãi suất của ngân hàng này.

Thêm vào đó, giá kim loại quý này còn chịu sức ép trước đà tăng của đồng USD so với rổ tiền tệ, giữa bối cảnh các nhà đầu tư dự đoán rằng căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn và đà phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đẩy đồng USD tăng giá.

Tới phiên giao dịch ngày 7/8, giá vàng phục hồi nhờ đồng USD giảm giá so với đồng NDT của Trung Quốc. Theo chiến lược gia Georgette Boele từ ABN Amro, giá vàng có xu hướng nhạy cảm hơn đối với chỉ số đồng NDT, bởi vậy nếu đồng USD có tăng giá, nhưng không mạnh lên so với đồng NDT thì vàng vẫn giữ ổn định.

Giá vàng tiếp tục đi lên trong phiên ngày 8/8 nhờ sự yếu đi của đồng USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kim loại quý này sẽ khó tăng mạnh do lãi suất tại Mỹ tăng lên và nhu cầu mua trái phiếu chính phủ của Mỹ khá cao.

Chuyên gia phân tích Peter Fertig thuộc Quantitative Commodity Research cho hay Fed dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm nay, điều có thể đẩy giá đồng USD lên cao, vốn là một yếu tố gây bất lợi cho vàng.

Fed được cho là sẽ thắt chặt tín dụng và tăng lãi suất thêm hai lần trong năm nay và ba lần vào năm 2019. Ông cũng Fertig lưu ý thêm rằng căng thẳng thương mại trên toàn cầu gia tăng sẽ khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu chính phủ của Mỹ, tài sản được coi là kênh "trú ẩn" an toàn trong thời kỳ bất ổn.

Tới phiên giao dịch ngày 9/8, giá vàng gần như "đi ngang" sau hai phiên tăng giá liên tiếp. Chỉ số đồng USD phiên này mạnh hơn đã gây sức ép đối với sự đi lên của của giá vàng mặc dù kim loại quý này phần nào nhận được hỗ trợ từ việc đồng NDT ổn định hơn.

Kể từ đầu năm đến nay, vàng không được hưởng lợi từ các căng thẳng địa chính trị gia tăng, do các nhà đầu tư lựa chọn sự đảm bảo từ đồng USD thay vì kim loại quý này.

Trong phiên cuối tuần (10/8), giá vàng đánh mất đà tăng vào đầu phiên, giữa bối cảnh sự sụt giá của đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy nhu cầu mua vàng như một tài sản an toàn, song đồng thời cũng làm gia tăng nhu cầu mua vào đồng USD, nhân tố gây bất lợi với vàng. Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 12/2018 giảm 90 xu Mỹ (0,1%) xuống 1.219 USD/ounce.

Giới giao dịch cho biết các nhà đầu tư đã tăng cường mua vào đồng USD, khi đồng lira giảm tới 23% xuống mức thấp kỷ lục, đồng ruble Nga cũng rơi xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, đồng euro và đồng bảng chạm các mức thấp nhất trong một năm.

Thống kê cho thấy giá vàng đã giảm 11% kể từ mức cao hồi tháng Tư và có thời điểm rớt xuống 1.204 USD/ounce, mức thấp nhất trong một năm, khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng. Theo các chuyên gia, đồn đoán về khả năng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng tới đã thúc đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, trong khi gây sức ép với vàng.

>>> Giá vàng châu Á giảm bất chấp tình hình địa chính trị toàn cầu “nóng” lên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục