Nhật Bản kêu gọi các công ty cho nhân viên làm từ xa do "căn bệnh quốc gia"

10:30' - 20/02/2024
BNEWS Nhật Bản đang kêu gọi các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc từ xa văn phòng trong mùa lượng phấn hoa phát tán ra môi trường ở mức cao.

Mùa dị ứng phấn hoa đã chính thức đến Nhật Bản khi phấn hoa bắt đầu phân tán khắp đất nước. Với bệnh dị ứng phấn hoa hiện được coi là “căn bệnh quốc gia” vì mức độ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và đôi khi gây ra tai nạn giao thông, chính phủ đang can thiệp bằng cách kêu gọi các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc từ xa văn phòng trong mùa lượng phấn hoa phát tán ra môi trường ở mức cao.

 

Kỹ sư Naoki Shigihara, 19 tuổi, tại công ty công nghệ Izak Co. có trụ sở tại Tokyo, cho biết hiệu quả của biện pháp này khi được làm việc ở tỉnh Okinawa hai tuần vào tháng 3/2023 trong mùa dị ứng phấn hoa. Kỹ sư Shigihara nói: “Tình trạng nghẹt mũi của tôi đã thuyên giảm và đầu tôi cảm thấy thông thoáng hơn. Tôi đã có thể tập trung hơn và cảm thấy có động lực làm việc hơn”. Kỹ sư Shigihara cũng có kế hoạch làm việc từ xa tại tỉnh Okinawa trong năm nay.

Vào năm 2022, Izak đã giới thiệu hệ thống “Thoát khỏi nhiệt đới”, trong đó nhân viên được phép làm việc từ một địa điểm có lượng phấn hoa thấp trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4. Công ty cung cấp 3.000 yen/ngày để hỗ trợ tiền nơi ở và trợ cấp không gian làm việc chung. Hệ thống này phổ biến đến mức được 30%-40% nhân viên sử dụng.

Theo các nghiên cứu được thực hiện bởi Hiệp hội Dị ứng và Nhiễm trùng Miễn dịch trong Tai mũi họng Nhật Bản và các nghiên cứu khác, tỷ lệ người mắc bệnh dị ứng phấn hoa ngày càng tăng, từ 19,6% năm 1998 lên 29,8% năm 2008 lên 42,5% vào năm 2019.

Các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi ảnh hưởng đến khả năng tập trung của nhân viên và làm gián đoạn giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Theo một cuộc khảo sát năm 2023 do Tokyo Shoko Research Ltd. thực hiện, 30% công ty cho biết bệnh dị ứng phấn hoa ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ.

Theo một cuộc khảo sát do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp hợp tác với một tổ chức tư nhân thực hiện, khoảng 20% công ty được khảo sát cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc xa văn phòng trong mùa dị ứng phấn hoa.

Tuy nhiên, điều đó không khả thi đối với một số ngành nghề, chẳng hạn như lái xe. Sompo Risk Management Inc., nơi cung cấp các khóa đào tạo lái xe an toàn cho các công ty, cho biết các tài xế có thể bị phân tâm bởi các triệu chứng dị ứng phân hoa và mắc sai lầm.

Đại diện của Sompo cho biết: “Nếu các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn, hãy giữ khoảng cách vừa đủ với những chiếc xe khác và giảm tốc độ. Thậm chí có thể dừng lái xe”.

Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản cho biết mức độ phân tán của phấn hoa các loại câu như tuyết tùng, bách Nhật Bản và bạch dương trắng dự kiến sẽ tương đương hoặc cao hơn một chút so với trung bình một năm ở hầu hết các khu vực từ Kyushu đến Tohoku nhưng sẽ cao hơn đáng kể ở Hokkaido.

Tại thành phố Fukuoka và thủ đô Tokyo, giai đoạn phân tán cao điểm dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2/2024. Còn tại Osaka, Nagoya, Kanazawa và Sendai, có thể sẽ bắt đầu vào đầu tháng 3/2024. Mùa cao điểm dự kiến sẽ kéo dài từ 10 ngày đến một tháng.

Vào tháng 5/2023, chính phủ đã lập kế hoạch giảm 20% diện tích rừng tuyết tùng trồng nhân tạo trong 10 năm và giảm một nửa lượng phấn hoa phát tán trong 30 năm. Vào tháng 10/2023, nội các đã phê duyệt gói ban đầu, bao gồm điều khoản sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo sự phát tán phấn hoa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục