Nhật Bản mất vị trí “chủ nợ” lớn nhất thế giới sau 34 năm

13:23' - 27/05/2025
BNEWS Nhật Bản đã không còn giữ được vị thế là quốc gia “chủ nợ” lớn nhất thế giới lần đầu tiên kể từ năm 1991, dù lượng tài sản ở nước ngoài của nước này vẫn đạt mức cao kỷ lục.

Theo dữ liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hôm 27/5, tổng tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản vào cuối năm 2024 đạt 533.050 tỷ yen (khoảng 3.700 tỷ USD), tăng khoảng 13% so với năm trước đó. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với Đức - quốc gia đã vươn lên dẫn đầu với 569.700 tỷ yen ( khoảng 3.980 tỷ USD) tài sản ròng. Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí thứ ba với 516.300 tỷ yen (khoảng 3.600 tỷ USD).

 

Đức vươn lên vị trí đầu bảng nhờ thặng dư tài khoản vãng lai lớn, đạt 248,7 tỷ euro trong năm 2024, phần lớn nhờ hiệu suất thương mại mạnh mẽ. Trong khi đó, thặng dư của Nhật Bản là 29.400 tỷ yen (khoảng 180 tỷ euro). Tỷ giá euro/yen tăng khoảng 5% trong năm qua, khiến giá trị tài sản của Đức tính theo yen tăng cao hơn so với Nhật Bản.

Tài sản ròng ở nước ngoài của một quốc gia được tính bằng giá trị tài sản nước ngoài mà nước đó sở hữu trừ đi giá trị tài sản trong nước do người nước ngoài nắm giữ, có điều chỉnh theo biến động tỷ giá. Chỉ số này phản ánh sự tích lũy của cán cân tài khoản vãng lai theo thời gian.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Katsunobu Kato, tỏ ra không lo lắng trước sự thay đổi này. Ông nói: “Tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản vẫn đang tăng đều, thứ hạng đơn thuần không nên được xem là dấu hiệu cho thấy vị thế của Nhật Bản đã thay đổi đáng kể”.

Đồng yen suy yếu trong năm qua khiến giá trị cả tài sản và nợ nước ngoài của Nhật Bản đều tăng, nhưng tài sản tăng nhanh hơn nhờ các khoản đầu tư ra nước ngoài ngày càng mở rộng của doanh nghiệp Nhật Bản.

Báo cáo hôm 27/5 của Bộ Tài chính Nhật Bản cũng phản ánh xu hướng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đang gia tăng. Trong năm 2024, các công ty Nhật Bản vẫn giữ được nhu cầu đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài, đặc biệt vào thị trường Mỹ và Anh. Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm và bán lẻ thu hút lượng vốn đáng kể từ nhà đầu tư Nhật Bản.

Theo ông Daisuke Karakama, nhà kinh tế trưởng về thị trường tại Ngân hàng Mizuho, việc Nhật Bản ngày càng chuyển hướng sang các khoản đầu tư trực tiếp thay vì chứng khoán nước ngoài khiến việc rút vốn nhanh khi có rủi ro trở nên khó khăn hơn.

Trong thời gian tới, hướng đi của dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản sẽ phụ thuộc nhiều vào việc các doanh nghiệp có tiếp tục mở rộng chi tiêu ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ hay không. Trong bối cảnh chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump đang có hiệu lực, một số công ty có thể cân nhắc chuyển dịch sản xuất hoặc tài sản sang Mỹ để giảm rủi ro liên quan đến thương mại.

Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/lan-dau-sau-34-nam-nhat-ban-khong-con-la-quoc-gia-chu-no-lon-nhat-the-gioi-20250527092142771.htm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục