Nhật Bản và ASEAN thúc đẩy chuyển đổi số để tạo thuận lợi thương mại

14:48' - 18/08/2023
BNEWS Nhật Bản sẽ phối hợp với các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số cho hoạt động xuất-nhập khẩu, qua đó tạo thuận lợi cho thương mại song phương.

Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn nguồn báo Nikkei Asia đưa tin Nhật Bản sẽ phối hợp với các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số cho hoạt động xuất-nhập khẩu, qua đó tạo thuận lợi cho thương mại song phương.

Theo Nikkei Asia, hai bên sẽ thống nhất một thỏa thuận về lộ trình kỹ thuật số như một phần của kế hoạch hành động tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản-ASEAN, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, dự kiến diễn ra tại Indonesia vào cuối tháng này.

 

Lộ trình này sẽ được thực hiện thông qua việc số hóa các hoạt động trong xúc tiến thương mại song phương, cũng như các thủ tục hải quan ở mỗi quốc gia, qua đó thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của các quy trình thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số cũng giúp đơn giản hóa các thủ tục hải quan, giảm gánh nặng hành chính và cải thiện thương mại tổng thể.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, dữ liệu của ASEAN cho thấy trao đổi thương mại giữa Nhật Bản và các nước ASEAN đạt 240,2 tỷ USD vào năm 2021, tăng 17,2% so với năm 2020, song hầu hết các giao dịch vẫn bị ràng buộc vì nhiều giấy tờ, thủ tục như giấy chứng nhận xuất xứ, thông tin thanh toán...

Việc chuyển đổi định dạng các giấy tờ để phù hợp với quy chuẩn của từng doanh nghiệp, quốc gia khác nhau cũng khiến quá trình trở nên phức tạp. Tuy nhiên, với lộ trình này được thông qua, các công ty dịch vụ tư nhân chuyên hỗ trợ trao đổi thương mại ở Nhật Bản và ASEAN sẽ dễ dàng được kết nối dữ liệu, giúp khắc phục những khó khăn về mặt thủ tục trong các hoạt động thương mại song phương.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) dự kiến tài trợ 1,5 tỷ yen (10,3 triệu USD) trong năm tài chính tiếp theo để hỗ trợ mở rộng các dịch vụ của khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho các dịch vụ xuyên biên giới được xúc tiến nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, lộ trình kỹ thuật số Nhật Bản-ASEAN cũng sẽ bao trùm các hoạt động hợp tác về khai thác và tái chế khoáng sản từ các sản phẩm thải loại.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nước đang tìm kiếm nguồn cung ổn định lithium, các nguyên tố đất hiếm và các khoáng chất quan trọng khác trước những lo ngại về tình trạng thiếu hụt. Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư vào sản xuất các khoáng chất quan trọng từ thiết bị điện tử tái chế và đang tìm cách đưa công nghệ này đến với các nước thành viên ASEAN./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục